Đồng bằng sông Cửu Long
Vị đắng trong mùa thu hoạch mía
SGTT.VN – Trước khi vào vụ ép mía niên vụ 2013 – 2014, các nhà máy đường đã thoả thuận giá mua mía 10 chữ đường (CCS) tại vùng mía Phụng Hiệp (Hậu Giang) là 850 đồng/kg và mức tăng, hoặc giảm cho 1 CCS tương đương 7 đồng/kg. Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả sản xuất, các nhà máy đường trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng thống nhất không thu mua mía nguyện liệu có hàm lượng đường dưới 7 CCS.
Nông dân tỉnh Hậu Giang tranh thủ thu hoạch mía trước khi lũ về. |
Vùng nguyên liệu mía Phụng Hiệp là nơi thu hoạch mía sớm nhất khu vực ĐBSCL, những năm lũ về sớm, nông dân phải đốn cả mía non để chạy lũ. Hiện nay, tại Phụng Hiệp, các giống mía chín sớm có giá mua khoảng 800 – 850 đồng/kg (mía có 8 – 10 CCS), trong khi đó, các giống mía chín muộn, hiện chỉ khoảng dưới 6 CCS, hoặc 7 CCS. Với các loại mía này, các nhà máy dù đã thoả thuận trước, nhưng khi nông dân thu hoạch, nhà máy buộc phải mua hỗ trợ cho nông dân với giá 500 – 600 đồng/kg.
Ông Trần Ngọc Điển, người trồng mía ở xã Hoà An (huyện Phụng Hiệp) so sánh: “Giá mía năm nay thấp hơn vụ năm ngoái khoảng 200 đồng/kg, nên rất ít người kiếm được lời”. Trong khi đó, theo ông Lê Văn Chí, chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp (huyện Phụng Hiệp), những người thu hoạch mía càng muộn, càng bị lỗ vì trước áp lực nước lũ về, giá nhân công tăng, tổn thất năng suất mía cũng tăng. Do vậy, khi nông dân chấp nhận bị lỗ vụ mía để kịp sạ lại vụ lúa, thì nhà máy đường phải gánh thêm một phần chi phí sản xuất do phải ép mía non. Nhà máy đường gặp khó, thương lái thu mua mía càng phập phồng, ông Nguyễn Văn Ân, lái buôn mía ở Phụng Hiệp than: “Mùa này, đi mua mía có nhiều may rủi, nếu mía đưa về tới nhà máy mà đo đủ 10 CCS, thì mới đủ tiền ghe, còn bị lỗ nặng hay nhẹ thì tuỳ chữ đường rớt nhiều hay ít”.
Mấy năm gần đây, cây mía được cho là loại cây trồng đạt hiệu quả thấp so với một số cây trồng khác. Ở huyện Trà Cú (Trà Vinh), mặc dù có lợi thế mía lưu gốc, nhưng không ít nông dân đã phá bỏ mía để chuyển sang mô hình sản xuất khác. Do trồng mía không lời, nên tính đến cuối tháng 9.2013, tỉnh Trà Vinh đã có hơn 360ha ao nuôi thuỷ sản (cá tra, cá lóc) nước ngọt, mà phần lớn là mô hình sản xuất vừa được chuyển đổi sang từ cây mía.
Hậu Giang là tỉnh có vùng nguyên liệu mía lớn nhất khu vực ĐBSCL. Qua nhiều năm thăng trầm với cây mía, nhiều nông dân Hậu Giang đã không còn mặn mà với cây mía. Niên vụ mía năm nay, tỉnh Hậu Giang chỉ trồng khoảng 14.000ha mía, giảm gần 190ha so năm trước. Theo kế hoạch, Hậu Giang sẽ cố gắng duy trì khoảng 10.000ha mía nguyên liệu phục vụ cho ba nhà máy đường trên địa bàn. Tuy nhiên, mối lo lớn nhất của các nhà máy là nếu mua mía giá cao, đảm bảo có lời cho nông dân, thì doanh nghiệp sẽ khó tồn tại, bởi mức giá chênh lệch hiện nay giữa đường nhập lậu từ biên giới Tây Nam và đường sản xuất trong nước đã cao hơn 1.000 đồng/kg.
bài và ảnh: Ngọc Tùng