(LĐ online) – Thông caribe (Pinus caribaea Morelet) là loài cây mới được nhập và gây trồng ở Việt Nam, trong đó có Lâm Đồng, trong vòng trên dưới 10 năm nay. Hiện tại, loài thông này chỉ có rất ít ở Lâm Đồng vì đang trong giai đoạn trồng khảo nghiệm. Tuy nhiên, theo một số cán bộ chuyên môn về ngành lâm học thì đây là loài cây rất có triển vọng đối với rừng Lâm Đồng trong những năm tiếp theo.
TRỒNG THỬ NGHIỆM THÔNG CARIBE
Mùa trồng rừng năm nay, Ban quản lý Rừng phòng hộ Serepok vừa xuống giống được 4ha thông caribe tại xã Rô Men (huyện Đam Rông). Như vậy cho đến nay, trên địa bàn hai huyện Lâm Hà và Đam Rông có tổng cộng 6ha rừng thông caribe được trồng khảo nghiệm. Trước đây, vào năm 2006, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng (thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) lần đầu tiên nhập từ tiểu bang Queensland của Australia về Lâm Đồng một lượng cây giống thông caribe để trồng 2ha tại vùng Lang Hanh (Đức Trọng, Lâm Đồng) và 3.000 cây đưa sang trồng ở vùng rừng ngoại vi thành phố Pleiku (Gia Lai). Kết quả đến nay, giống thông hoàn toàn mới này tỏ ra rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Lâm Đồng; hơn thế, so với các giống thông bản địa (thông ba lá, thông nhựa..) thì giống thông caribe có tính vượt trội hơn như sinh trưởng nhanh hơn (cả về đường kính và chiều cao), thân thẳng, cành nhánh nhỏ, ít mấu mắt… Qua theo dõi, cán bộ chuyên môn của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng cho biết: Thông caribe trồng ở Lang Hanh đạt năng suất 24,8m3/ha/năm, chu kỳ kinh doanh là 25 – 30 năm. Đây là loài cây trồng có biên độ sinh thái rộng nên có thể trồng được ở nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau ở Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung (ngoài Lâm Đồng, thông caribe còn được nhập về trồng ở vùng rừng Đại Lải của tỉnh Vĩnh Phúc).
Theo Bộ NN-PTNT tại tài liệu về “Chọn loài cây ưu tiên cho các chương trình trồng rừng tại Việt Nam”, thông caribe là cây gỗ lớn, thường xanh, có thể cao 30 – 35m, đường kính có thể đạt 60 – 80cm. Thông caribe có 3 loại: P. caribaea var. hondurensis (gỗ lớn), P. caribaea var. caribaea (gỗ nhỡ) và P. caribaea var. bahamensis (gỗ tương đối lớn). Trong đó, triển vọng hơn cả đối với điều kiện của Tây Nguyên và cả Việt Nam là P. caribaea var. hondurensis (gỗ lớn). Riêng với Lâm Đồng, thông caribe có thể đạt năng suất cao hơn nhiều so với năng suất bình quân chung của thông caribe cả nước: 24,8m3/ha/năm so với 18m3/ha/năm.
TRIỂN VỌNG CHO VÙNG NGUYÊN LIỆU GIẤY
Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho thấy, tuy tỷ trọng gỗ có thấp hơn so với thông caribe trồng ở Đại Lải (Vĩnh Phúc) nhưng thông caribe trồng ở Lang Hanh (Lâm Đồng) có khả năng sinh trưởng cao hơn. Hơn thế, nếu so với các quốc gia khác thì thông caribe trồng ở Việt Nam có tỷ trọng cao hơn hoặc gần bằng: Cao hơn thông caribe giống Pinus oocarpa trồng ở Uganda và gần bằng thông caribe giống Pinus silvestris trồng ở châu Âu. Về kích thước xơ sợi, so sánh giữa hai vùng sinh thái Lang Hanh và Đại Lải thì tỷ lệ giữa chiều dài và chiều rộng sợi (L/R) của thông 12 tuổi trồng ở Lang Hanh cao hơn thông 8 – 15 tuổi ở Đại Lải. “Do đó, chất lượng bột thông caribe trồng ở Lang Hanh sẽ tốt hơn ở Đại Lải” – kết luận của Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam và Viện Công nghiệp giấy Xenluylô.
Về thành phần hóa học, theo các nhà chuyên môn, hiệu suất bột giấy phụ thuộc vào nhiều thành phần hóa học của gỗ. Trong đó, thành phần xenluylô càng cao và các thành phần hóa học khác càng thấp thì chất lượng bột giấy càng tốt. Kết quả phân tích của cơ quan chuyên ngành cho thấy, thông caribe ở Lang Hanh 12 tuổi có hàm lượng xenluylô đạt đến 50,7% – cao hơn thông hai lá 23 tuổi và tương đương với thông ba lá 13 tuổi (thông caribe Đại Lải 8 – 15 tuổi cũng đạt hàm lượng xenluylô ở mức khá: 45% – 47%). Với các thành phần hóa học khác, đặc biệt là lignin, càng thấp thì càng tốt. Trong quá trình chế biến bột giấy, cần phải loại bỏ các thành phần này vì nếu hàm lượng thành phần này trong gỗ càng thấp thì công nghệ chế biến bột giấy sẽ ít khắc nghiệt hơn và hiệu quả sử dụng hóa chất sẽ cao hơn. Qua phân tích, các nhà khoa học kết luận: “Thông caribe trồng ở Lang Hanh 12 tuổi có hàm lượng lignin thấp hơn ở Đại Lải và một số loài thông trồng ở nước ngoài.
Từ kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam và Viện Công nghiệp giấy Xenluylô khẳng định: “Thông caribe trồng ở nước ta là nguyên liệu đạt tiêu chuẩn để sản xuất bột giấy chất lượng cao. Đặc biệt, thông caribe trồng ở Lang Hanh có tiềm năng bột giấy cao hơn hẳn thông trồng ở Đại Lải trong giai đoạn tuổi từ 11 – 15 (cùng một cấp tuổi)…”.
KHẮC DŨNG