Nông dân ra đồng cấy dặm |
Chưa năm nào nông dân Phú Yên phải đối mặt tình trạng sạ đi, sạ lại lúa ĐX 2- 3 lần như năm nay.
Sáng mùng 4 tết (25/1), nông dân các huyện Đông Hòa, Đồng Xuân, Tuy An và TP Tuy Hòa ra đồng cấy dặm ruộng lúa bị hư hại do ngập úng từ trước tết. Anh Nguyễn Văn Lịch ở xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) cho biết: “Cánh đồng Ổ Vạt này nằm dọc mương rút Bàu Bèo nên khi sạ dính ngay nước thượng nguồn đổ về. Trong khi đó, cửa biển Hòa Hiệp Trung thoát chậm nên ruộng ngập úng, lúa non ngã rạp. Trước tết, do thiếu mạ nên người dân chỉ cấy dặm được một ít, số còn lại chờ mạ lớn mới cấy dặm”.
Anh Lịch cho biết thêm: “Chiều mùng 3 cúng tạ xong, vợ chồng tôi thuê hai người nữa ra đồng cấy dặm. Trời đang nắng ấm, cấy sớm cho mạ mau bén rễ”. Ra đồng, vợ chồng anh Lịch mang theo cả hương tết, rim mứt, cốm gừng để mọi người ăn lúc nghỉ mệt. Còn ông Nguyễn Văn Thư, Phó phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa cho biết: Do ảnh hưởng đợt mưa kéo dài trước tết, địa phương này có đến 1.136 ha lúa bị ngập úng, hư hại trong tổng số hơn 4.573 ha đã gieo sạ. Bị thiệt hại nặng nhất là các xã Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Đông, Hòa Vinh, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung. Tại các địa phương này, nông dân đang tiến hành gieo sạ lại diện tích hư hại do ngập úng. Một số cánh đồng như Vực Kính, Quang Trại thuộc xã Hòa Tân Đông, nông dân tiến hành cấy dặm.
Do ảnh hưởng đợt mưa kéo dài ngày cuối tháng Chạp vừa qua, nhiều diện tích lúa non ở xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) đổ rạp. Hiện đang thời điểm nước rút nên bà con ra đồng be bờ bao, tranh thủ sạ cho kịp thời vụ. Ông Nguyễn Đình Danh ở xã Xuân Sơn Nam có 3 sào ruộng. Trước tết đã sạ đi sạ lại nhưng cả hai lần đều bị ngập úng nên mầm lúa không phát triển được.
Ông nói: “Vui tết vậy là đủ rồi, làm gì làm cũng phải lo nồi gạo cho gia đình”. Trong khi đó, nhiều thửa ruộng lúa ĐX gần 30 ngày tuổi ở xã An Hòa (huyện Tuy An) bị chuột cắn phá gây thiệt hại nặng. Ông Huỳnh Văn Hải ở xã An Hòa than thở: “Chuột cắn phá, lúa còn thưa thớt, tôi trông thấy mà nóng mặt. Sáng mùng 4 tết tôi vội kéo máy bơm ra đồng. Đợt nước đầu tiên này bơm đến hết mùng 5 cho… lụt. Nước ngập sâu, chuột không thể bơi vào ruộng cắn phá”.
Những lô cao su 15 tuổi bị chặt phá để trồng mới |
Năm 1997, Nông trường Lam Sơn (nay là Cty TNHH MTV Lam Sơn, gọi tắt là Cty Lam Sơn) đầu tư trồng hàng trăm ha cao su tại huyện miền núi Ngọc Lặc và Thọ Xuân (Thanh Hóa). Nay cây cao su đã 15 năm tuổi song lượng mủ chỉ lèo tèo thu vài ba cân/ha/ngày khiến nảy sinh mâu thuẫn giữa Cty với hộ dân.
Để giải quyết khó khăn, Cty Lam Sơn tiến hành chặt hết những vườn cao su kém mủ để trồng lại và tiếp tục chờ đợi kết quả trong ít nhất 8 năm nữa. Chẳng hiểu lần chờ đợi này có đem đến phép màu nào không?
CAO SU TỊT MỦ
Những năm 1997 – 2000, hưởng ứng chủ trương của tỉnh Thanh Hóa, Nông trường Lam Sơn kêu gọi công nhân, người dân tại Ngọc Lặc và Thọ Xuân thay thế một phần diện tích hoa màu chuyển sang trồng cao su với niềm hy vọng tạo ra bước đột phá về kinh tế cho khu vực miền tây xứ Thanh. Theo đó, Nông trường cho dân ứng toàn bộ giống, phân bón, tập huấn quy trình kỹ thuật trị giá khoảng 10 triệu đồng/ha không tính lãi, sau đó trừ dần vào mủ khi cao su bắt đầu cho thu hoạch.
Trong thời gian chờ cao su có mủ, hộ nhận khoán được hưởng tiền công chăm sóc và toàn bộ lợi nhuận hoa màu trồng xen kẽ dưới tán cao su đến năm thứ 4. Với cơ chế ưu đãi như vậy, gia đình nào cũng nhiệt tình hưởng ứng. Chỉ trong thời gian ngắn, gần 500 ha cao su đã phủ kín những quả đồi trước kia là vựa mía của Nông trường Lam Sơn. Chính quyền sở tại cũng vui mừng tin tưởng cây cao su chính là lời giải cho bài toán chuyển đổi cơ cấu kinh tế và xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Thời gian đầu, cây cao su phát triển khá tốt khiến bà con nông dân và cả công nhân ai cũng vui mừng khấp khởi. Khoảng năm 2005, khi cao su được tuổi thu hoạch, người người hồi hộp đợi những giọt mủ đầu tiên song đều thất vọng khi cao su cho mủ rất ít. Gia đình nào chăm sóc tốt, chịu khó cạo may ra được 5-6 kg/ha/ngày, còn lại lèo tèo 2-3 kg.
Nghĩ cây cao su còn non ít mủ nên người dân vẫn hy vọng năm sau sản lượng mủ sẽ cao hơn. Nhưng hy vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu, chờ đợi hoài đến nay cao su đã 15 tuổi chúng vẫn chỉ cho mủ như vậy, thậm chí nhiều lô còn không cho mủ nên hầu hết không hộ nào nộp sản đủ mủ cao su cho Cty Lam Sơn, bị Cty phạt như cơm bữa, thậm chí tiền phạt còn nhiều hơn tiền nợ đầu tư ban đầu.
Vì phải đóng rất nhiều khoản chi phí cũng như tiền thuê đất trong khi cao su ngày một ít mủ nên người nhận khoán cao su nợ nần chồng chất. Tính ra một ngày công đi cạo mủ cao su từ 3 giờ sáng, sau khi trừ mọi chi phí phải đóng góp cho phía Cty Lam Sơn người dân chỉ còn lại trong tay 10.000-15.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị Thao, Trưởng thôn 10 (xã Minh Tiến – Ngọc Lặc), một trong những thôn có diện tích cao su lên tới gần 100 ha đắng đót cho biết, dù cây cao su cho mủ được 6-7 năm nay, nhưng hiện 73 hộ dân thôn chị mới có 10% số hộ trả được 50% nợ ban đầu, còn lại hộ nợ ít thì chục triệu, nhiều lên tới vài chục triệu. “Hầu như nhà nào cũng nợ, ngay như nhà tôi nợ Cty Lam Sơn hơn 18 triệu đồng hiện chưa biết trông vào đâu để trả. Cô em gái tôi đi cạo mủ cao su ròng rã đúng một tháng trời sau khi trừ hết các khoản tiền này nọ còn cầm về đúng 500 ngàn mà tủi thân tấm tức khóc mấy ngày trời”. Chị Thao bức xúc nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Cty Lam Sơn thừa nhận, nguyên nhân chính khiến người dân và công nhân nợ tiền Cty không trả được do sản lượng mủ cao su quá thấp. Còn nguyên nhân khiến cao su mủ thấp ông Thành chỉ phỏng đoán do chất lượng giống kém cộng khí hậu, địa hình khắc nghiệt, bên cạnh đó cách chăm sóc, khai thác của người dân lại chưa đúng kỹ thuật.
Ông giám đốc nói do giống, do dân, đâu biết thực tế việc khảo sát trồng cao su tại đâu và đưa giống nào vào trồng (từ năm 1997) đều được phía Nông trường hướng dẫn, cung cấp (!).
PHIÊU LƯU LẦN NỮA
Những ngày gần đây, nếu ai có dịp đi trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Minh Tiến, huyện miền núi Ngọc Lặc dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người dân đang chặt phá tan tành những rừng cao su đáng lẽ đang trong đỉnh điểm thu hoạch. Tiếng cưa máy rèn rẹt, phành phạch, những cây cao su to hơn bắp vế đổ rào rào khiến ai nhìn cũng tiếc ngẩn ngơ.
Ai đâu thể ngờ rằng, hàng trăm ha cao su đầu tư nhiều tỷ đồng trong chớp mắt đã biến thành củi được phía Cty Lam Sơn định giá có vài triệu đồng/ha. Bản thân Cty Lam Sơn hiện cũng chưa biết khi nào có thể thu hồi được tiền vốn đầu tư trồng cao su từ các hộ nhận khoán nên nhân tiện dịp thanh lý rừng cao su tịt mủ để trồng mới và lấy luôn tiền bán cây để trừ bớt nợ, số nợ còn lại Cty khoanh lại không tính lãi để “động viên” người dân yên tâm tham gia trồng cao su lần thứ 2.
Ngồi thẫn thờ bên đồi cao su đã bị đốn sạch, anh Phạm Ngọc Quỳnh, thôn 10, xã Minh Tiến giờ nghĩ lại mới thấy ngày xưa mình ngu muội. Nhà có 2 ha đất đồi dốc toàn đá vậy mà anh cũng đem đi góp trồng cao su, lúc xuống giống thậm chí anh Quỳnh phải dùng xà beng để phá, để đào hố thì thử hỏi cây cao su làm sao có nhiều mủ được. Không chỉ anh Quỳnh mà phần lớn diện tích cao su không mủ đều do trồng ở địa hình đồi quá dốc, chỉ phù hợp trồng rừng.
Được biết, trong năm 2011 Cty Lam Sơn đã trồng mới thay thế được 126 ha cao su, Cty dự kiến từ nay đến năm 2013 sẽ trồng lại 50 ha nữa, số diện tích đang cho khai thác còn lại sẽ thay thế dần theo từng năm, trong thời gian đó cố “cọ quèn” vớt vát được cân mủ nào hay cân đó bởi giờ chặt hết Cty cũng khốn khổ vì không thu hồi được vốn.
Điều ngược lại, người dân lại càng muốn thanh lý rừng cao su càng sớm càng tốt, vì gần 500 ha cao su trồng từ những năm 1997 – 2000 tại Ngọc Lặc, Thọ Xuân không có hiệu quả kinh tế, định mức khoán với Cty Lam Sơn thì không hề thay đổi nhưng mủ cao su thì cứ tịt dần theo thời gian nên càng để lâu các hộ càng nợ Cty nhiều hơn.
Có một điều các hộ nhận khoán cao su hiện nay rất băn khoăn là trong cơ cấu giống của Cty Lam Sơn, ngoài hai giống mới là Ric 211 và DT1 thì vẫn có hai giống cao su cũ đã trồng từ năm 1997 là RRim 600 và RRim 172 nay không ra mủ. Phía Cty Lam Sơn lý giải rằng, chất lượng giống và kỹ thuật ngày trước khác bây giờ rất nhiều và đây cũng là bộ giống do Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam khuyến cáo trồng tại khu vực miền Trung. |
Vậy là sau 15 năm đeo đuổi bất thành, giờ Cty Lam Sơn lại đưa người dân tại miền tây Thanh Hóa tiếp tục một cuộc phiêu lưu lần nữa với cây cao su mà kết quả của nó phải tới 8 năm sau mới có câu trả lời. Chúng tôi được biết, trong quá khứ, Cty Lam Sơn đã không ít lần mất trắng hàng chục ha cao su vì sương muối, nắng nóng và gió bão… Một ha cao su trồng tại đây khoảng 550 cây đến lúc thu hoạch mủ còn lại khoảng 300 cây là nhiều do thiên nhiên tàn phá.
Nhìn thấy khó khăn, khắc nghiệt như vậy và đã có cả bài học thất bại làm kinh nghiệm, lý do gì khiến Cty Lam Sơn vẫn quyết tâm đeo đuổi bằng được cây cao su? Trả lời câu hỏi này, một cán bộ kỹ thuật Cty Lam Sơn cho hay, trồng mía thì không thể có đột phá về kinh tế được, trồng cây cao su nếu thành công người dân sẽ có việc làm quanh năm (thực chất cao su tại Thanh Hóa chỉ khai thác mủ được 6-7 tháng), thời gian khai thác cao su dài và thu nhập trên một ha lớn hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác.
Kịch bản “Gia Cát Dự” là như vậy, nhưng thực tế tại Cty Lam Sơn chứng minh, trong 1.000 ha đất của Cty thì 500 ha mía mỗi năm cho thu hoạch gần 50 tỷ đồng trong khi 500 ha cao su mỗi năm thu hoạch giỏi lắm được vài tỷ đồng, không đủ trả chi phí nhân công, vận chuyển, sơ chế thì nói gì đến chuyện đột phá kinh tế.
TS Trần Ngọc Hùng trong vườn ươm chuối tiêu hồng |
Nhờ trồng chuối tiêu hồng trên vùng đất bãi bồi ven sông lớn ở các tỉnh phía Bắc, nhiều người dân trở nên giàu có, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và XK.
Các nhà khoa học Bộ môn CNSH, Viện Nghiên cứu rau quả đã chuyển giao công nghệ trồng chuối tiêu hồng ở vùng đất bãi ven sông Hồng thuộc huyện Văn Giang, Khoái Châu (Hưng Yên). Ông Lưu Tuấn Tú, Phó ban Tuyên huấn Hội Nông dân Hưng Yên cho biết: Năm 2006 Trung tâm ứng dụng TBKT (Sở KH- CN Hưng Yên) phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả triển khai mô hình trồng thử nghiệm chuối tiêu hồng bằng công nghệ nuôi cấy mô tại vùng đất bãi cho kết quả rất tốt, hiệu quả kinh tế cao gấp 3- 4 lần so với các cây trồng khác.
Chỉ tính riêng các xã, phường vùng bãi ven sông Hồng ở TP Hưng Yên đã chuyển đổi được gần 100 ha ngô, đay hiệu quả kinh tế thấp sang trồng chuối. Trung bình mỗi năm 1 sào chuối bỏ vốn và công chăm sóc hết khoảng 1,5 triệu đồng, cho thu lãi từ 10- 15 triệu đồng (từ 300- 350 triệu đồng/ha/năm). Do lãi cao nên nhiều hộ đã xây dựng trang trại chuyên canh chuối tiêu hồng rộng hàng chục mẫu, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. Điển hình là anh Nguyễn Văn Cường, phường Lam Sơn, ông Nguyễn Văn Quang, phường Hiến Nam TP Hưng Yên; anh Phạm Năng Thành, xã Đại Tập, huyện Khoái Châu…Chủ trương của tỉnh là nhanh chóng mở rộng diện tích, đưa cây chuối tiêu hồng trở thành cây hàng hóa, cây mũi nhọn trong SXNN để tiến tới xây dựng thương hiệu cho chuối tiêu hồng đất bãi Hưng Yên.
Anh Phạm Năng Thành cho biết, anh đang thuê 30 mẫu đất với giá 1,5 triệu đồng/sào để trồng chuối tiêu hồng thời hạn 10 năm. Mỗi năm đầu tư hết 1 tỷ đồng, doanh thu 2 tỷ. Ngoài trồng chuối, anh còn nhân giống cung cấp cho bà con trong vùng, đồng thời sắm thêm phương tiện để tiêu thụ trên 200 tấn chuối/năm, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động.
Viện Nghiên cứu rau quả đang nhân giống chuối tiêu hồng theo công nghệ nuôi cấy mô, chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân và các địa phương theo phương thức ký kết hợp đồng. Địa chỉ liên hệ: Bộ môn CNSH, Viện Nghiên cứu rau quả. Thị trấn Trâu Quỳ- Gia Lâm- Hà Nội, ĐT: 0436762124. |
Nói về kinh nghiệm trồng chuối, anh Thành cho hay: Ưu điểm của giống chuối nuôi cấy mô là dễ trồng, cây sinh trưởng, phát triển mạnh, ít sâu bệnh, nhanh cho thu hoạch và cho lãi cao hơn hẳn chuối thường. Muốn cho chuối có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, bán được giá cao phải thường xuyên giữ ẩm, đánh thuốc chống sương, tỉa bỏ bớt cây con chỉ giữ lại mỗi gốc 1 cây khỏe mạnh để thay thế cây mẹ và dùng bao nilon để bao cả buồng. Trồng 1 năm thu 2- 3 lứa quả rồi phá bỏ để trồng lại nhằm tránh bệnh thối gốc, thối rễ do tuyến trùng.
TS. Trần Ngọc Hùng, Trưởng Bộ môn CNSH, Viện Nghiên cứu rau quả cho biết: “Đây là giống chuối đặc sản của nước ta có nguồn gốc từ xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, được chúng tôi tuyển chọn, phục tráng và nhân giống thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Giống đã được Bộ NN- PTNT công nhận và cho phép SX trên diện rộng”.
Tiêu hồng thuộc nhóm chuối tiêu vừa, thân giả cao 2,1- 2,5m, sinh trưởng khỏe, lá xanh sáng, bản lá rộng, số lá hoạt động khi trỗ buồng thường đạt từ 10- 12 lá. Buồng hình trụ, bình quân có 10- 12 nải, nặng khoảng 45 kg/buồng. Là giống cho năng suất cao, trung bình đạt 40-45 tấn/ha. Khi chín vỏ quả có màu vàng sáng đẹp nhưng cuống quả vẫn còn xanh, thịt quả rắn, ăn ngọt và thơm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng nên bán được giá cao.
Lâm Đồng có diện tích và sản lượng cà phê lớn thứ hai cả nước, với gần 145.000ha cho sản lượng 340.000 tấn/năm, năng suất từ 2,5 tấn/ha. Từ năm 2012, Trung Tâm Khuyến Nông Quốc Gia đã triển khai mô hình sản xuất cà phê bền vững với kỹ thuật canh tác cà phê đảm bảo đạt 3 tiêu chí: kinh tế, xã hội và môi trường. Hòa cùng xu thế mới, nông dân tại vùng cà phê này đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang trang mới.
Hiệu quả kinh tế từ phân bón hữu cơ sinh học
Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi ghé thăm vườn cà phê của anh Lê Công Sĩ (ngụ thôn Tần Xá, Đông Thanh, Lâm Hà, Lâm Đồng). Vườn cà phê tái canh đang vào độ phát triển vượt trội, thân cây mới 6 năm tuổi đã cao hơn 1,7 mét, cành lá xum xuê vươn dài, trái đã bắt đầu to lên, mọc thành từng cụm dày sẵn sàng cho vụ thu hoạch tới. Anh nông dân trẻ hào hứng kể: “Từ ngày thực hiện tái canh bằng cách chuyển đổi giống và hướng đến sử dụng 100% phân bón hữu cơ sinh học AMI-AMIα do Công ty Ajinomoto Việt Nam sản xuất, đất ngày càng màu mỡ cho cà phê phát triển mạnh, năng suất duy trì được 6-7 tấn/ha/vụ, mỗi vụ thu về hơn 30% lợi nhuận”.
Nhận thức rõ phân bón hữu cơ đang là xu hướng sản xuất an toàn và trả lại nguồn hữu cơ cho mẹ đất, sau 5 năm sử dụng phân bón hữu cơ sinh học AMI-AMIα, giờ đây anh Sĩ đã rất tự tin chia sẻ kinh nghiệm tái canh cà phê bằng 100% phân bón hữu cơ cho những nông hộ khác.
Trồng “cà phê sạch” bằng “phân bón sạch”
Rời nhà anh Sĩ, chúng tôi đến thăm anh Nguyễn Việt Hưng (thôn Quyết Thắng, Phú Sơn, Lâm Hà, Lâm Đồng). Vì đam mê cà phê, anh rời Sài Gòn đến Lâm Hà xa xôi lập nghiệp, thấm thoắt đã 18 năm gắn bó với cây trồng này, anh nắm vững kinh nghiệm canh tác và không ngừng học hỏi tiến bộ kỹ thuật mới. Men theo sườn đồi thoai thoải, là 100ha cà phê bạt ngàn hiện ra trước mắt chúng tôi, anh Hưng tự tin khẳng định 100% cà phê này là “cà phê sạch”, nghĩa là hoàn toàn không sử dụng một giọt hóa chất từ khi vun trồng, thu hoạch, rang xay đến đóng gói.
Anh giải thích thêm: “Khi canh tác cà phê, nhân tố quan trọng đầu tiên là lựa chọn phân bón. Để làm ra một hạt cà phê sạch, thì phân bón cho cây phải sạch, phải có nguồn gốc từ hữu cơ, hoàn toàn không lẫn tạp chất hay kim loại nặng làm chai đất. Hơn 5 năm sử dụng, đến nay tôi có niềm tin tuyệt đối vào phân bón hữu cơ sinh học AMI-AMIα, vì thành phần chính của phân bón này là chất hữu cơ thu được trong quá trình lên men sản xuất bột ngọt bằng mật mía và tinh bột khoai mì. Phân bón có nguồn gốc từ quy trình sản xuất thực phẩm thì tất nhiên phải sạch”.
Anh Phan Văn Trọng bên cây cà phê mới được tưới phân bón hữu cơ AMI-AMIα hai lần
Khi chúng tôi hỏi vì sao anh sản xuất cà phê sạch mà không đi đăng ký thương hiệu, anh chỉ cười và bảo: “Thay vì tạo thương hiệu cà phê sạch cho riêng mình, tôi chỉ ước tất cả cà phê tại Lâm Đồng và Đắk Lắk phải là cà phê sạch”. Sau khi thành công từ việc ứng dụng phân bón hữu cơ sinh học AMI-AMIα, anh Hưng đã hăm hở phổ biến cách trồng “cà phê sạch” này cho rất nhiều bạn bè tại Lâm Đồng và Đắk Lắk.
Trả lại nguồn hữu cơ dồi dào cho đất
Khác với anh Sĩ và anh Hưng, anh Phan Văn Trọng (xã Tà Năng, Đức Trọng, Lâm Đồng) đã quen với cách canh tác cà phê truyền thống, khi nghe bạn bè từ Đắk Lắk chia sẻ việc sử dụng phân bón hữu cơ AMI-AMIα cho cà phê vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường sinh thái anh còn băn khoăn lắm.
Được biết trên báo chí và tư liệu, tác dụng của phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp là cải thiện độ phì nhiêu và cân bằng dinh dưỡng trong đất, phát triển các vi sinh vật có lợi trong đất, giúp tăng sức khỏe và sức sản xuất của đất. Nhờ đó sản lượng và chất lượng nông sản được nâng cao. Ngoài ra, phân bón hữu cơ còn giúp hạn chế ô nhiễm môi trường đất và nước ngầm do quá trình rửa trôi. Vì vậy, Bộ NN&PTNT Việt Nam đã chỉ ra phân bón hữu cơ là một trong những giải pháp cho nền nông nghiệp bền vững và khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông sản sạch. Từ đó, để phục vụ cho nhu cầu thực tế của nông dân, phân bón hữu cơ sinh học AMI-AMIα ra đời trên nền tảng “nguồn hữu cơ dồi dào cho đất”, được bổ sung thêm Lân và Kali cân đối, cho cây trồng đạt năng suất, sạch và bền vững.
Qua tìm hiểu thực tế, khi anh Trọng tận mắt nhìn thấy vườn cà phê đạt năng suất vượt trội nhờ AMI-AMIα của một người bạn tại Đắk Lắk, anh mới tin dân trồng cà phê bây giờ đã và đang dần chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ sinh học cả rồi. Được sự tư vấn tận tình của các kỹ sư Công ty Ajinomoto Việt Nam, nay anh Trọng đã chuyển sang hướng canh tác mới. Anh giải thích: “Vì đất phải mất một lượng chất hữu cơ đáng kể để nuôi cây, nên mình phải trả lại cho đất những gì vốn có, bằng cách tưới phân bón hữu cơ sinh học AMI-AMIα với hàm lượng chất hữu cơ cao ≥ 23% vào gốc cà phê 3 lần/vụ, sẽ kích thích các vi sinh vật trong đất phát triển mạnh, giúp đất tơi xốp, cải thiện hàm lượng mùn trong đất, duy trì năng suất cao cho cà phê mà không làm chai đất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đây chính là cách cải thiện môi trường đất thực tế nhất mà bấy lâu tôi tìm kiếm”.
Rõ ràng, việc lựa chọn phân bón hữu cơ sinh học đem lại hiệu quả cao, thân thiện với môi trường là một xu hướng tất yếu khi con người ngày càng chú trọng đến sức khỏe bản thân mình và quan tâm tới việc xây dựng một nền nông nghiệp xanh sạch, bền vững.
Phân bón hữu cơ sinh học dạng lỏng AMI-AMIα do Công ty Ajinomoto Việt Nam sản xuất bằng công nghệ lên men vi sinh hiện đại Nhật Bản.
Với hàm lượng chất hữu cơ ≥ 23%, NPK:4-2-2 và tổng các Axit amin ≥ 2%, khi bón vào gốc cà phê sẽ nuôi dưỡng cho bộ rễ phát triển nhanh và khỏe, lá xanh mướt, trái to đồng đều, duy trì năng suất cà phê và hạt cà phê sau thu hoạch giữ được hương vị truyền thống. |
Tại ruộng lạc bên quốc lộ 1A, chị Đặng Thị Quyên ở xóm 12, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu (Nghệ An) ôm một chồng cỏ đủ loại nói: Mời nhà báo lội xuống mà xem. Không hiểu sao tôi đã phun thuốc mà cỏ cứ mọc đùn lên dưới lớp nilon?
Theo chị Quyên, cách đây 1 tuần chị huy động cả nhà ra nhổ đợt 1, thế mà hôm nay các loại cỏ đã dày thế này. Nhà chị trồng 5 sào lạc (500 m2/sào). Sau khi lên luống và gieo trỉa, chị lên HTXNN Nam Thịnh nhận nilon và thuốc diệt cỏ Dibstar 50 EC về phun, rồi mới tiến hành phủ nilon.
“Theo hướng dẫn thì mỗi lọ thuốc diệt cỏ (loại 100 ml) phun cho 1.000 m2, nhưng để chắc ăn, tôi lấy 5 lọ về pha, phun mỗi sào 1 lọ. Thấy phun như vậy, chồng tôi bảo phun đậm đặc thế có khi lạc cũng chết chứ nói gì đến cỏ.
Thế nhưng, khi chọc thủng lỗ cho mầm lạc lên thì thấy cỏ cũng nảy mầm bình thường. Nửa tháng sau, ra thăm đồng, cỏ đã lên tua tủa dưới lớp nilon. Điều làm bà con bức xúc là ruộng lạc nào cũng bị cỏ lên như vậy nên ai nấy đều cho là thuốc trừ cỏ chất lượng kém, chị Quyên than thở.
Chị Quyên với đám cỏ dại trên ruộng lạc |
Chị Trần Thị Tuyết, xóm 13, xã Diễn Thịnh thấy chúng tôi chụp ảnh cũng tìm đến và cho biết: “Phun thuốc trừ cỏ cũng như không. Mới nửa tháng mà cỏ đã nảy mầm dưới lớp nilon. Sau đó mọc túa ra quanh gốc lạc. Nhà tôi neo người nên thuê làm công với giá 100.000 đồng/ngày, nhưng vẫn không ai chịu nhận. Cỏ mọc quá dày và nhanh, bí quá phải dỡ lớp nilon để làm cỏ sau đó mới phủ lại nên mất công và tốn thời gian lắm. Không biết lớp nilon bị dỡ lên, dỡ xuống như vậy có ảnh hưởng đến năng suất lạc hay không?”.
Chúng tôi ghé vào ruộng lạc nhà chị Nguyễn Thị Huệ (trú tại xóm 9A, xã Diễn Thịnh) cũng nghe chị than thở: Khổ lắm chú ơi! Nhà tui làm 3 sào lạc phủ nilon mà phải bỏ công sức làm cỏ đến 3 lần rồi vẫn chưa hết. Mỗi lần làm mấy mẹ con phải luồn tay dưới lớp nilon để nhổ cho bằng hết. Thế mà vẫn không làm sao sạch được cỏ.
Làm việc với PV, ông Hoàng Tiến Sỹ, Chủ nhiệm HTXNN Bắc Thịnh (Diễn Thịnh, Diễn Châu) cho biết: Vụ lạc xuân 2012, chúng tôi lên Trạm BVTV huyện nhận 2.400 lọ thuốc diệt cỏ Dibstar 50EC cùng với nilon để phân phát cho dân theo chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh. Chúng tôi đang nhức đầu khi bị bà con “tố” thuốc trừ cỏ “có vấn đề”.
Một thực tế là loại thuốc này phun ở cả 3 HTX của Diễn Thịnh (Bắc Thịnh, Nam Thịnh và Đông Thịnh) đều bị như vậy. Bà con phải huy động lực lượng ra ruộng lạc nhổ cỏ cả ngày, cho bò ăn không hết. Điều lạ là cỏ 1 lá mầm cũng không chết. Nói thật với anh, dân ở đây chuyên trồng màu; vụ xuân đều trông cả vào ruộng lạc nên đầu tư thâm canh rất lớn. Cỏ mọc nhiều và tốt hơn cả lạc, chắc chắn ảnh hưởng đến năng suất…
Ông Lê Duy Hiếu, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Diễn Châu giải trình: Theo Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND, ngày 20/10/2010, thì riêng lạc phủ nilon tỉnh trợ giá mỗi sào 5.000 đồng thuốc trừ cỏ và 8.000 đồng/kg nilon. Thực tế trên địa bàn tỉnh chỉ dùng 2 loại thuốc trừ cỏ chính là: Duagol (Thụy Sỹ) loại 50 ml/lọ giá bán 35.000 đồng/lọ và loại Dibstar 50EC 100 ml/lọ giá 19.500 đồng/lọ.
Quan điểm của chúng tôi là Cty CP Tập đoàn Điện Bàn phải tìm được lý do xác đáng và có sức thuyết phục để giải thích với dân, đồng thời phải giải quyết triệt để vụ việc này. Nếu nhà SX không làm được điều đó, chúng tôi sẽ ngưng cung cấp loại thuốc này… (ông Nguyễn Mạnh Trí, Giám đốc Cty CP dịch vụ BVTV Nghệ An) |
Theo đó bà con được hỗ trợ 10.000 đồng/lọ (cho 2 sào Trung bộ). Ở huyện Diễn Châu, việc phân phối thuốc diệt cỏ Dibstar 50EC cho dân theo chính sách này UBND huyện chỉ định phải qua Trạm BVTV. Tổng số thuốc lấy từ Cty CP dịch vụ BVTV Nghệ An khoảng 2.200 lít. Hiện trong kho còn khoảng 100 lít.
Ông Hiếu thừa nhận: Năm nay cỏ trên ruộng lạc nhiều và tốt một cách… đột biến. Trồng được khoảng 45 ngày mà bà con phải làm cỏ thủ công tới 2- 3 lần. Trước tình hình đó, chúng tôi đã mời đơn vị SX (Cty CP Tập đoàn Điện Bàn, chi nhánh tại TP HCM) và đơn vị cung ứng (Cty CP dịch vụ BVTV Nghệ An) ra kiểm tra thực tế trên từng cánh đồng lạc để tìm cách xử lý.
Hiện nhà SX và cung ứng đều cho là: Do trời rét kéo dài, sau khi thuốc hết hiệu lực thì cỏ mới mọc nên không diệt trừ được các loại cỏ dại. Thứ hai là nhà SX khuyến cáo trên nhãn mỗi ha lạc phải phun từ 1,2- 1,5 lít thuốc, nhưng bà con chỉ phun theo mức hỗ trợ 1 lít nên không đủ nồng độ để diệt cỏ (?!). Cá nhân tôi cho rằng do thuốc Dibstar 50EC đã dùng trên 10 năm nay nên có thể cỏ đã bị “nhờn thuốc”!
“Kế sách” chống rét của Cty CP Cao su Hà Giang |
Như NNVN từng phản ánh, đợt rét đậm rét hại kèm sương muối năm 2010 đã hạ gục trên 1.000 ha cao su mới trồng tại Hà Giang. Sau cú sốc lớn, tỉnh Hà Giang thận trọng không mở rộng mà chỉ quyết tâm khôi phục diện tích cao su bị chết, nhưng sự đương đầu này quá mạo hiểm.
>> Trở lại tham vọng cây cao su phía Bắc
DÂN MẤT NIỀM TIN
Những ngày đầu xuân 2012, chúng tôi trở lại hai xã trọng điểm trồng cao su của Hà Giang là Vô Điếm (Bắc Quang) và Trung Thành (Vị Xuyên) khảo sát số diện tích cao su mới trồng tái canh. Từ dưới con đường lầy lội bùn đất tại thôn Me Thượng, xã Vô Điếm nhìn lên những quả đồi trồng cao su toàn một màu trắng xóa giống như cò, vạc di cư bất thường về đây. Hỏi người dân, mới hay đó là túi ni lông được Cty CP Cao su Hà Giang trang bị chống rét cho lứa cây cao su (chịu lạnh) trồng tái canh năm 2011.
Một số người dân kể, khi thấy công nhân đem túi ni lông chống rét cho cao su, nhiều người cười bảo, đã là giống cao su chịu lạnh sao vẫn phải chống rét? Mà giờ cây thấp bé còn che được, giả dụ cao su sống được và cao bằng mấy đầu người thì che bằng cách nào, không lẽ trèo lên ngọn cây để che. Quá khứ đã chứng minh, lứa cây cao su trồng những năm trước bị chết rét khi chúng đã cao tới 3 – 4 mét và to bằng bắp chân chứ đâu phải lúc mới trồng.
Đang hái rau rừng chuẩn bị bữa cơm trưa tại khu đồi mới trồng cao su thuộc thôn Me Thượng, chị Ma Thị Kiên, một người dân trong thôn ngao ngán cho biết, năm 2009, gia đình chị góp 0,5 ha đất cho Cty CP Cao su Hà Giang, khi chuẩn bị xuống cây thì đột ngột toàn bộ diện tích cao su đã trồng tại xã Vô Điếm chết trắng trời không rõ nguyên nhân. Vì vậy, năm nay gia đình chị Kiên nhất quyết không giao đất cho Cty cao su nữa mà dành để trồng ngô giải quyết lương thực trước mắt cũng như phục vụ chăn nuôi.
“Sống ở đây đã mấy chục năm nên tôi biết, khí hậu nơi này khắc nghiệt vô cùng, ngay cả cây keo lai gia đình tôi trồng lên quá đầu người còn chết rũ vì sương muối thì cây cao su khó lòng mà trụ được. Bây giờ góp đất trồng cao su chẳng may lại chết nữa biết bao giờ chúng tôi mới lấy lại được đất và trong khoảng thời gian đó gia đình sẽ sống bằng gì? Thôi cứ trồng ngô, trồng sắn cho chắc ăn anh ạ!”, chị Kiên nói chắc nịch.
Cách nhà chị Kiên không xa, hộ gia đình anh Ma Văn Thớ cũng ở thôn Me Thượng đang rơi vào trạng thái hoang mang, bởi từ thời điểm cây cao su trồng trên diện tích 6 ha gia đình góp làm ăn với Cty CP Cao su Hà Giang chết sạch không thấy phía Cty thông báo gì. Nay nghe tin Cty sắp sửa trồng tái canh trên diện tích 6 ha đó họ bồn chồn lo lắng không biết có được hỗ trợ gì không?
Con trai anh Ma Văn Thớ là Ma Văn Cương mới đi đào măng từ rừng về mặt tím tái vì lạnh run rẩy tâm sự, từ ngày giao đất cho Cty, không còn đất làm nương bố con anh chủ yếu vào rừng đào măng về bán lấy tiền chi tiêu hàng ngày. Anh Cương đắn đo, nếu sắp tới phía Cty có lấy đất để trồng cao su gia đình vẫn giao, nhưng sẽ yêu cầu Cty phải trả nốt 30% số tiền đề phòng cao su chết tiếp một lần nữa, chưa thấy Cty trả.
Hiện, dự án trồng tái canh hơn 1.000 ha cây cao su tại Hà Giang đang chia dân xã Vô Điếm, Bắc Quang và Trung Thành, huyện Vị Xuyên làm hai thái cực. Một chính thức nói lời chia tay với Cty CP Cao su Hà Giang bằng việc lấy lại đất để canh tác; nửa còn lại ngần ngừ giao đất trong trạng thái sợ cao su trồng lại chết nữa. Bản thân người dân cũng không rõ nguyên nhân cao su chết do đâu bởi phía Cty chưa bao giờ giải thích với họ mà chủ yếu thông qua chính quyền địa phương với những thông tin rất mù mờ.
Chính sự không tường minh thông tin cũng là một trong những lý do khiến người dân giờ không còn mặn mà với cây cao su như lúc đầu, cho dù phía Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã hỗ trợ người dân toàn bộ tiền giống và kỹ thuật.
Nhìn từ xa, khu đồi trồng cao su là một màu trắng xóa của túi ni lông |
CANH BẠC MAY RỦI
Được biết, thời điểm hiện tại Cty CP Cao su Hà Giang đã hoàn thành kế hoạch trong năm 2011 khi trồng tái canh được hơn 600 ha cao su tại ba huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Kế hoạch trong năm 2012, Cty sẽ trồng tái canh 558 ha diện tích bị chết còn lại. Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay phía Cty không mạo hiểm chạy theo tiến độ trồng vào thời điểm cuối năm mà đã ươm bầu đợi đến mùa xuân mới triển khai.
Điều khác biệt, đợt trồng tái canh này Cty chỉ chọn hai giống cao su chịu lạnh là IAN – 873 và VNg – 774 (Vân Nghiên), các giống của miền Nam bị chết vừa rồi đều bị loại bỏ. Giống cao su IAN – 873 có xuất xứ từ Braxin đã thoát chết “thần kỳ” qua đợt rét năm 2010 nên được tỉnh Hà Giang kỳ vọng rất lớn, còn VNg – 774 được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nhập về từ Trung Quốc, nghe nói phía nước bạn trồng rất nhiều tại khu vực khí hậu xuống âm độ nhưng cây vẫn sống bình thường?
Nói là giống chịu lạnh, nhưng hỏi bất cứ người có trách nhiệm nào về cây cao su ở Hà Giang có dám khẳng định giống IAN – 873 và VNg – 774 sẽ không hề hấn gì với khí hậu khắc nghiệt tại mảnh đất biên cương này thì chỉ nhận được câu trả lời ở mức “niềm tin” mà thôi. Đấy là còn chưa bàn tới việc cây cao su nếu sống thì có cho mủ hay không?
Trao đổi với chúng tôi, một vị cán bộ Sở NN-PTNT Hà Giang thừa nhận rất lo lắng với hơn 1.000 ha cao su dự kiến trồng tái canh, bởi không ai dám khẳng định là cây sẽ không bị chết. Nhưng trót đâm lao thì phải theo lao vì trước kia tỉnh đã đưa vào thử nghiệm đủ loại cây trồng như cà phê hay cải dầu đều thất bại, thậm chí đến giờ ngân hàng vẫn chưa thu hồi được vốn. Nay đưa cây cao su vào trồng, nếu lại thất bại lần nữa thì thật không biết ăn nói như thế nào với người dân. |
Tới khu vực trồng cao su tái canh từ giữa năm 2011 tại xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên, quả thực bằng cảm quan thấy cây phát triển bình thường, được 3 tầng lá, cao 60 – 80 cm. Anh Dương Văn Thắng – Trưởng ban Chỉ đạo vùng SX cao su Vị Xuyên (Cty CP Cao su Hà Giang) cho biết, huyện đã bàn giao cho phía Cty 900 ha đất để trồng cao su nhưng đơn vị mới trồng tái canh được 125 ha diện tích chết rét năm 2010, số diện tích còn lại sẽ trồng tiếp vào đầu năm 2012 vì khi đó mới đúng lịch thời vụ phía Tập đoàn yêu cầu.
Tại ba vườn ươm của Cty CP Cao su Hà Giang, 350.000 cây cao su giống chịu lạnh đã được ươm bầu để sẵn sàng phủ kín 558 ha diện tích chết rét còn lại, với tâm thế đầy may rủi. Chưa biết cao su có sống được hay không, nhưng đầu tháng 2/2012 vừa rồi, tỉnh Hà Giang đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để bàn về cơ chế ăn chia khi cao su cho mủ và dự định sau khi trồng tái canh xong 1.158 ha sẽ tiến hành trồng khoảng 2.000 ha nữa (có lẽ đó là diện tích đủ công suất cho một nhà máy sơ chế mủ).
Dù sao cũng ghi nhận sự dũng cảm của tỉnh Hà Giang trong “canh bạc” đeo đuổi cây cao su. Hy vọng, giống cao su chịu lạnh trồng lần này sẽ về được đích để cho ra những tấn mủ, tạo bước đột phá về kinh tế cho tỉnh nghèo biên viễn. Tuy nhiên, dù chói tai nhưng chúng tôi cũng xin nhắc lại, việc 10 ha giống cao su chịu lạnh VNg – 774, VNg – 772 được trồng khảo nghiệm tại Hòa Bình chết không còn một cây mà chúng tôi nêu ở bài viết trước hay thông tin mới đây tại khu vực giáp biên giới tỉnh Hà Giang, một loạt giống cao su chịu lạnh của nước bạn Trung Quốc chết rét hàng loạt là những cảnh báo tỉnh Hà Giang cần thận trọng trong tham vọng phát triển cây cao su, tránh rơi vào thảm cảnh.
Tham dự diễn đàn có lãnh đạo một số Cục, Vụ, Viện, Trung tâm liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đại diện lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và NPTNT các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Ngoài ra, còn có các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư, doanh nghiệp thu mua, chế biến sắn và đặc biệt là sự tham gia của bà con nông dân tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Sắn là loại cây được trồng rộng rãi tại Việt Nam do nước ta có điều kiện tự nhiên, xã hội thích hợp cho cây sắn phát triển, cây sắn có thể sinh trưởng được trên hầu hết các loại đất (trừ đất úng nước), dễ tính, không đòi hỏi thâm canh cao, đang trở thành cây góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Sắn được xếp hàng thứ ba sau lúa và ngô, cây sắn tạo ra lượng tinh bột cao nhất trong các cây lương thực, ngoài việc được sử dụng làm lương thực cho con người, làm thức ăn gia súc, sắn là cây công nghiệp xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Tinh bột sắn được dùng trong công nghiệp, là nguyên liệu quan trọng để sản xuất ehtanol chế biến nhiên liệu sinh học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177/2007/QĐ – TT ngày 20/11/2007 về ”Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Theo quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/2/2012 của Thủ Tướng Chính Phủ về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển nghành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030”, Bộ Nông Nghiệp và PTNT có Quyết định số 824/QĐ-BNN-TT ngày 16/4/2012 về phê duyệt “Đề án phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, theo đó cây sắn sẽ có diện tích là 500 ngàn ha vào năm 2020 và 450 ngàn ha vào năm 2030, thâm canh để đạt sản lượng 11 triệu tấn làm thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học, sử dụng đất có độ dốc dưới 15 độ, tầng dày trên 35 cm chủ yếu ở Trung du miền núi phía Bắc, duyên hải Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.
Những năm gần đây, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó giống mới đóng vai trò rất quan trọng đã nâng năng suất sắn lên rất nhanh từ 83,3 tạ củ tươi/ha năm lên 176,93 tạ củ tươi/ha năm 2012, đưa sản lượng sắn từ 2,28 triệu tấn năm 1995 lên 9,75 triệu tấn năm 2012. Nhu cầu về sắn tăng cao đã đẩy giá sắn lên cao là nguyên nhân chính làm diện tích trồng sắn tăng nhanh trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, việc tăng nhanh diện tích trồng sắn đã phã vỡ quy hoạch, kế hoạch dẫn đến phá rừng, đất bị sói mòn, rửa trôi nghiêm trọng. Nông dân chủ yếu canh tác theo phương thức quảng canh, ít đầu tư thâm canh nên đất trồng sắn có xu hướng thoái hóa, bạc mầu khó phục hồi, sâu bệnh gây hại ngày càng nhiều, tình trạng nước thải gây ô nhiễm môi trường của các nhà máy chế biến là những thách thức không nhỏ cần có hướng giải quyết triệt để trong thời gian tới Diễn đàn đã lắng nghe báo cáo của các viện, trường, các địa phương, báo cáo của các doanh nghiệp, các chuyên gia đầu nghành về tình hình, thực trạng, kinh nghiệm và kết quả của việc phát triển trồng sắn, chế biến và tiêu thụ sắn tại một số địa phương dẫn đầu về diện tích cũng như sản lượng của cây sắn. Những tham vấn các giải pháp, biện pháp cụ thể, thực thi cũng như những khó khăn, vướng mắc, những ý kiến đóng góp trao đổi thông tin của đông đảo bà con nông dân – những người trực tiếp gắn bó với cây sắn để giúp cho bà con yên tâm canh tác.
Minh Thuận
Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới: Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2013
(Mard-16/7/2013): Trong 6 tháng đầu năm 2013, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình NTM) đã triển khai và đạt được một số kết quả đáng khích lệ: Đã ban hành được 03 văn bản hướng dẫn mới; Hoàn thành nội dung của 04 văn bản dự thảo (đang lấy ý kiến của các tỉnh, thành phố). Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc chỉ đạo từ Trung ương hầu như mới chỉ tập trung vào chỉ đạo triển khai chung, chưa chú ý chỉ đạo huyện điểm, xã điểm.
Tại Bộ NN&PTNT, các đơn vị vẫn tiếp tục triển khai những nhiệm vụ đã được giao. Cụ thể là: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình xây dựng NTM ở 11 xã điểm do Ban Bí thư chỉ đạo; Hỗ trợ xây dựng đề án NTM và tham gia chỉ đạo 03 xã điểm do Chủ tịch nước bảo trợ; Kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai xây dựng NTM của xã Trường Hà (tỉnh Cao Bằng) theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội; Tổ chức 06 lớp tập huấn đào tạo giáo viên Tiểu học cho các tỉnh theo Chương trình NTM và yêu cầu phối hợp của Ban Chỉ đạo NTM ở các tỉnh.
Các Tổng cục (Thuỷ sản, Thuỷ lợi, Lâm nghiệp) đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực chuyên ngành. Trong khi đó, các Cục (Trồng trọt, Chăn nuôi, Chế biến…) đã xây dựng kế hoạch và chọn một số xã điểm để sớm thực hiện các tiêu chí của ngành, rút kinh nghiệm cho chỉ đạo trên diện rộng.
Thành viên Ban Chỉ đạo thuộc Bộ đã kiểm tra, đánh giá 05 huyện điểm (tại Gia Lai, Bình Phước, Quảng Nam, Nghệ An và Nam Định). Kết quả là: Các huyện đều đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện để chỉ đạo triển khai Chương trình NTM. Nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân (trong 05 huyện điểm thì duy nhất 01 huyện điểm có mức thu nhập bình quân dưới chuẩn). Cơ sở hạ tầng chuyển biến rõ rệt, một số công trình kết nối giữa huyện với xã được phát triển.
Thực hiện chủ trương của Ban Chỉ đạo về việc sơ kết một năm thực hiện phong trào “cả nước chung sức xây dựng NTM”, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Nội vụ để lên kế hoạch khen thưởng thi đua cho các xã có thành tích xuất sắc theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về bộ máy quản lý chỉ đạo các cấp, theo kiến nghị của các địa phương, cần có hướng dẫn (bổ sung) về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy triển khai Chương trình NTM, tăng thêm cán bộ chuyên trách cho bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo (nhất là cấp xã) để đủ năng lực theo dõi, chỉ đạo triển khai Chương trình trong 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo.
Kết quả thực hiện các tiêu chí của Chương trình NTM tại các địa phương: 35 xã đạt 19 tiêu chí (chiếm 0,4% tổng số xã tham gia Chương trình); 276 xã đạt 15-18 tiêu chí (chiếm tỷ lệ 3,2%); 1.071 xã đạt 10-14 tiêu chí (18,2%); 3.982 xã đạt 5-9 tiêu chí (47%) và 2.523 xã đạt dưới 5 tiêu chí (chiếm tỷ lệ 29,6%). Với mức độ đạt các tiêu chí như trên thì mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn NTM là rất khó đạt được (nếu không tăng nguồn lực và tập trung chỉ đạo và các xã điểm).
Về công tác quy hoạch, đến nay mới có 83,5% số xã của cả nước hoàn thành quy hoạch chung (trong đó, cao nhất là Bắc Trung Bộ – đạt 99,3%, Đồng bằng sông Hồng đạt 94,5%, ĐBSCL đạt 87,2%, Tây Nguyên đạt 82,1%, miền núi phía Bắc đạt 79,7%, Nam Trung Bộ đạt 70,1% và Đông Nam Bộ đạt 27,3%). Ba tỉnh có tỷ lệ phê duyệt quy hoạch thấp là Điện Biên 3%, Bình Phước 3% và thành phố HCM 11%. Nhìn chung, chất lượng công tác quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu, những xã (đã làm quy hoạch sản xuất) thì lại thiếu tính kết nối vùng sản xuất hàng hoá. Hiện tượng người dân xây dựng vào phần đất (đã quy hoạch) diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương.
Về lập đề án NTM cấp xã, đề án chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, nặng về xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng tới sản xuất, môi trường, văn hoá, giải pháp thực hiện… Việc huy động nguồn lực còn thiếu tính thực tiễn. Trong 6 tháng qua (nhất là các tháng đầu năm), hoạt động xây dựng hạ tầng ở các địa phương phát triển mạnh mẽ, tập trung vào các công trình giao thông nông thôn, thuỷ lợi, nước sạch, vệ sinh môi trường và công trình văn hoá xã hội. Tuy nhiên, đã bộc lộ một số bất cập: Một số địa phương huy động quá sức dân; Xây dựng xong nhưng thiếu quy trình và nguồn vốn cho công tác duy tu, bảo dưỡng.
Theo Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, trong 6 tháng cuối năm 2013, các Bộ ngành cần căn cứ nhiệm vụ đã được phân công, khẩn trương tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung công việc để đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình NTM.
LNT
Trung tâm Nghiên cứu & phát triển cây có củ (Viện CLT&CTP) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả mô hình SX khoai tây giống Sinora sạch bệnh tại xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương).
Qua SX 30 ha khoai tây giống Sinora tại xã Hà Thanh cho thấy đây là giống chống chịu sâu bệnh tốt; đặc biệt là bệnh mốc sương, thích ứng rộng, năng suất từ 15- 18 tấn/ha. Với giá bán từ 7.000- 8.000 đ/kg, cho thu nhập 70-100 triệu đ/ha.