Ngành mía đường có nguy cơ “chết yểu” sau hội nhập
Thuy Dung
Bộ trưởng Cao Đức Phát tại buổi hội thảo – Ảnh: Thùy Dung |
(TBKTSG Online) – Ngành mía đường – hiện là một trong những ngành hàng được bảo hộ cao nhất – được đánh giá là yếu toàn diện từ khâu sản xuất, chế biến cho đến phân phối. Nhiều ý kiến tại một hội thảo diễn ra hôm nay 18-5 tại Hà Nội cho rằng doanh nghiệp mía đường khó có thể cạnh tranh được khi thuế nhập khẩu đường giảm về 5% vào năm 2018 theo cam kết hội nhập ASEAN.
Đường Thái Lan sẽ tràn vào
Mở đầu buổi hội thảo về giải pháp phát triển ngành mía đường diễn ra hôm nay tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Cao Đức Phát cho hay, đường là một trong những ngành được nhà nước bảo hộ cao nhất khi Việt Nam tham gia các đàm phán thương mại tự do với các nước trên thế giới.
Theo bộ trưởng, tới năm 2015, hạn ngạch thuế quan (HNTQ) đường nhập khẩu chỉ khoảng 81.000 tấn, chỉ chiếm 6% tổng nhu cầu tiêu thụ đường trong nước. Thuế suất ưu đãi trong HNTQ là 25% đối với đường thô và 40% đối với đường trắng; trong khi đó, thuế suất ngoài HNTQ là từ 80-100%. Bên cạnh đó, ngành đường còn được bảo hộ bằng các hàng rào kỹ thuật khác.
Tuy nhiên, theo cam kết mở cửa trong ASEAN, đến năm 2018, Việt Nam sẽ phải hoàn toàn xóa bỏ hạn ngạch thuế quan từ ASEAN, và thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 80% xuống còn 5%. Khi đó, đường nhập khẩu Thái Lan sẽ cạnh tranh và có ảnh hưởng lớn tới thị trường đường trong nước.
“Liệu ngành đường có nên tiếp tục núp bóng dưới hàng rào bảo hộ hay mở rộng sản xuất để cạnh tranh và xuất khẩu?” Bộ trưởng Phát đặt câu hỏi.
Thế nhưng, cạnh tranh với đường nhập khẩu từ ASEAN khi hàng rào bảo hộ được dỡ bỏ không hề dễ dàng. Theo ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NNPTNT, giá mía nguyên liệu chiếm từ 70-80% giá thành sản xuất đường nhưng giá mua mía nguyên liệu của Việt Nam thường đắt hơn Thái Lan từ 200.000 đến 300.000 đồng/tấn.
Trong chế biến, chỉ có một phần ba số doanh nghiệp lớn được trang bị các máy móc tiên tiến, còn lại đa phần các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu.
Ông Nguyễn Quang Hợp, đại diện Công ty TNHH Hưng Thịnh, cho hay giống mía không được đầu tư nên năng suất rất thấp; bao nhiêu năm nay năng suất mía mới chỉ được 47,6 tấn/héc ta trong khi năng suất bình quân trên thế giới là 65,3 tấn/héc ta. Muốn tăng năng suất, không còn cách nào khác là phải cơ giới hóa nhưng không thể cơ giới hóa được khi diện tích trồng mía quá manh mún.
“Tôi lo là nếu không thay đổi hoặc có những chính sách đột phá thì ngành mía đường không cạnh tranh được ngay với đường Lào, Campuchia chứ đừng nói gì đường Thái Lan,” ông Hợp nói.
Cũng tại hội thảo, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, cho rằng nếu Nhà nước không có những quy hoạch và tính toán cụ thể, đến năm 2018, ngành đường Việt Nam sẽ đánh mất thị trường trong nước vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là đối thủ Thái Lan.
Ông Dương cho hay, có hai kênh phân phối cho người tiêu dùng là siêu thị và kênh bán lẻ khác. Kênh phân phối siêu thị thì rất tốn kém, vì các siêu thị thường hưởng mức lợi nhuận từ 10-20% trong khi doanh nghiệp làm ăn năm nào tốt mới lãi được 10%.
Với kênh phân phối thông qua các nhà tạp hóa, một số nhà phối lớn nhất trên thị trường hiện nay như Hương Thủy, Phú Thái… đã được các doanh nghiệp nước ngoài mua lại gần hết, các doanh nghiệp nước ngoài này đã dọn đường để sản phẩm của họ tiến sâu hơn vào thị trường Việt Nam.
“Như vậy, các nhà máy đường có đẩy mạnh sản xuất cũng chỉ là làm thuê, gia công cho doanh nghiệp nước ngoài. Trong tương lai, khi đường Thái Lan ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam, doanh nghiệp không cạnh tranh nổi,” ông Dương nhấn mạnh.
Doanh nghiệp mía đường không cần bảo hộ!
Theo ông Đỗ Thành Liêm, Phó chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, ngành mía đường được coi như là ngành được bảo hộ bao năm nay nhưng thực tế không phải vậy. “Mặc dù chúng ta áp thuế rất cao đối với mía đường chính ngạch nhưng chúng ta lại mở toang cửa cho đường nhập lậu, mỗi năm lên tới hàng trăm nghìn tấn,” ông Liêm nói.
Hơn nữa, đường lậu thì không có thuế và nhập đường thì theo “quota C” (đường thừa của Thái Lan) nên doanh nghiệp bán giá nào cũng được. Bên cạnh đó là một loạt chính sách điều hành xuất nhập khẩu đường tiểu ngạch thiếu linh hoạt của Bộ Công Thương, chính sách tạm nhập tái xuất…. đã khiến ngành đường kiệt quệ.
“Tâm tư của doanh nghiệp là không sợ chết, vì yếu kém bệnh tật chết là đúng, nhưng chúng tôi sợ nhất là chính sách khiến các doanh nghiệp chết,” ông Liêm nói.
Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, cho rằng ngành mía đường không cần bảo hộ, mà chỉ cần một chính sách cơ bản, hợp lý để có thể cạnh tranh được khi mở cửa.
Thứ nhất là về quy hoạch. Hiện nay nếu mua mía của nông dân phải trên 1 triệu đồng/tấn nhưng nếu doanh nghiệp tự trồng chỉ mất 600.000 đồng/tấn. Như vậy, đất manh mún thì không thể giảm giá thành. Do đó, quy hoạch cần chú ý tới điểm này để nông dân và doanh nghiệp có thể cùng làm, giảm giá thành sản xuất.
Bên cạnh đó, cần đầu tư vào công tác giống. Ở Thái Lan có năm trung tâm lai tạo giống của Nhà nước và bảy trung tâm lai tạo làm công tác khảo nghiệm của doanh nghiệp.
“Nên chăng, chúng ta cũng nên phân chia rõ nhiệm vụ nhà nước chịu trách nhiệm lai tạo giống, doanh nghiệp tham gia phần khảo nghiệm… Để có thể lai tạo giống tốt, ít nhất cũng phải đầu tư khoảng 30 tỉ đồng/năm,” ông Dương góp ý.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho hay Bộ NNPTNT muốn tạo sự đột phá về giống, thay đổi cách thâm canh, áp dụng tưới, cơ giới hóa và tổ chức lại sản xuất. Bộ NNPTNT cũng đề nghị các doanh nghiệp thấy ở đâu có giống mía tốt, hiệu quả có thể chủ động đề xuất, phối hợp với cơ quan chuyên môn của bộ tiến hành nhập khẩu về, khảo nghiệm và phổ biến trồng rộng rãi trong dân.
Đọc thêm:
Ngành mía đường Việt Nam cần khẩn trương đổi mới
Chưa có tiếng nói chung giữa nhà nước và DN mía đường
Xóa bảo hộ, ngành mía đường sẽ về đâu?
DN mía đường “đứng ngồi không yên” vì đường của HAGL