Theo ông Nguyễn Chính Cương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lào Cai, việc thí điểm xây dựng thành công mô hình tưới phun mưa cho cây chè tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chè Phong Hải đang được nhân rộng nhằm phục vụ chiến lược sản xuất hàng hóa cây trồng cạn trong thời gian tới của tỉnh Lào Cai.
Vốn đầu tư hệ thống tưới cho 1ha chè khoảng 40 triệu đồng, năng suất chè búp tươi từ 10-12 tấn/ha/năm, phần giá trị tăng thêm kể cả tiết kiệm chi phí nhân công đạt xấp xỉ 20 triệu đồng/ha/năm.
Trong khi đó, chi phí tiền điện không đáng kể, với mỗi ha chè cần tưới từ 15-20 lần/năm, mỗi lần 4-8 giờ, chi phí hết khoảng 3-4.000 đồng/lần. Sau 3 năm có thể thu hồi vốn đầu tư.
Năm 2010, từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2007-2012 do Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ, Chi cục Thủy lợi thực hiện thí điểm tưới phun mưa cho cây chè tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chè Phong Hải, huyện Bảo Thắng, trên diện tích tưới là 2,1ha, kinh phí 300 triệu đồng.
Tưới chè bằng công nghệ tuới phun mưa tự động
Chi cục Thủy lợi đã phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chè Phong Hải, Phòng Kỹ thuật (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Phòng Kinh tế huyện Bảo Thắng, Ủy ban Nhân dân thị trấn Phong Hải xây dựng mô hình.
Việc ứng dụng hệ thống tưới này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Người trồng chủ động nước tưới theo đúng thời vụ và yêu cầu của cây chè, khắc phục được kỹ thuật tưới nước cho vùng đồi, nơi khan hiếm nước, không áp dụng được các biện pháp tưới thông thường bằng kênh dẫn.
Phương pháp tưới phun mưa còn chủ động và nâng cao hiệu quả phân bón được hòa tan, ngấm ngay xuống đất, giảm khả năng thăng hoa của phân đạm, tăng khả năng hấp thụ của cây trồng.
Phương pháp này tiết kiệm chi phí nhân công trong việc gánh nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, vận chuyển phân vi sinh dạng lỏng.
Đặc biệt, tưới phun mưa giúp tăng số lứa hái, tăng số lượng và chất lượng chè trong mỗi đợt hái khoảng 30-50%. Người trồng chè có thêm chè vụ đông – giá bán thường cao hơn vào dịp Tết, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kiêm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chè Phong Hải, từ khi áp dụng hình thức tưới phun mưa, năng suất chè của nông trường tăng đáng kể, chi phí đầu tư lại giảm nên người trồng chè rất phấn khởi.
Việc tưới chè chủ yếu được thực hiện trong mùa khô, một năm thực hiện 17-20 đợt tưới, mỗi đợt tưới tối đa 60m3/ha, thực hiện trong 1-2 ngày, 4-8 giờ/ngày ùy theo tình hình độ ẩm đất, tính quy đổi thời gian tưới trong một năm là khoảng 160 giờ.
Vì vậy, việc kết hợp công trình tưới với công trình cấp nước là rất hợp lý, đảm bảo phát huy hiệu quả tổng hợp nguồn tài nguyên nước, đỡ tốn kém năng lượng bơm, hệ thống được quản lý liên tục, đây là mô hình đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến khích xây dựng.
Lào Cai hiện có gần 4.000ha chè. Từ nay đến 2015, diện tích có thể tăng gần gấp đôi. Việc áp dụng tưới biện pháp tưới dưỡng không chỉ góp phần giảm sức lao động, nâng cao năng suất và sản lượng chè mà còn đảm bảo chất lượng, hạ giá thành sản phẩm chè, có lợi cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Theo vietnam+