Xuất phát điểm thấp
Ông Phạm Hồng Ân – Chủ tịch UBND xã Quế Phong cho biết: Trước đây Quế Phong là vùng căn cứ địa cách mạng, chiến tranh qua đi để lại bao mất mát, làng quê bị tàn phá nặng nề, nhà cửa tan hoang, đời sống nhân dân hết sức cơ cực… Bên cạnh đó, Quế Phong là xã miền núi nên có xuất phát điểm khá thấp, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội hết sức khó khăn, giao thông đi lại cách trở, việc quy hoạch để phát triển thương mại dịch vụ và công nghiệp không thể triển khai thực hiện được… “Chính vì vậy mà chúng tôi luôn trăn trở phải làm sao tìm giải pháp và chọn hướng đi cho phù hợp nhất với điều kiện của địa phương để đưa nền kinh tế phát triển đi lên, từng bước xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân”- ông Ân chia sẻ.
Theo ông Ân, khó khăn là vậy, nhưng Quế Phong đã phát huy truyền thống cách mạng của mình và toàn Đảng, toàn dân đoàn kết một lòng tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, quyết tâm ra sức thi đua tăng gia sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng… xây dựng quê hương tươi đẹp và bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi một cách nhanh chóng.
Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Là một xã thuần nông, với gần 90% dân số sống bằng nông nghiệp, trong khi đó vùng đất Quế Phong chủ yếu là đồi, gò… nên việc phát triển cây lúa sẽ không hiệu quả. Để góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo đà cho xây dựng NTM, những năm gần đây Quế Phong rất chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng đồi núi, hoặc những nơi không chủ động được nước sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn, trong đó cây keo, cây sắn… được chọn là cây chủ lực của địa phương. Tuy vậy, một số địa phương có điều kiện vẫn phải dựa vào cây lúa và các loại cây hoa màu khác.
Ông Ân cho biết thêm, thời gian qua kinh tế rừng và kinh tế gia trại, trang trại ở Quế Phong đang phát triển khá tốt, hiện xã có gần 1.200ha rừng, trong đó diện tích đất rừng sản xuất trên 550ha được trồng cây keo, diện tích còn lại là rừng thuộc các dự án khác do người dân nhận quản lý. Quế Phong cũng là nơi phát triển cây sắn khá tốt, với diện tích trên 350ha… Bên cạnh cây keo, cây sắn thì Quế Phong cũng đang triển khai các mô hình kinh tế gia trại để phát triển chăn nuôi gà, lợn… Nhất là xã đang đẩy mạnh phát triển đàn bò, trâu, dê…
Theo đánh giá của ông Ân, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đẩy mạnh phát triển cây, con… trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời thúc đẩy tốt quá trình xây dựng NTM của Quế Phong trong những năm qua và các năm tiếp theo. Theo ông Ân, mặc dù hiện nay Quế Phong không phải là xã điểm về xây dựng NTM, nhưng đến nay địa phương đã đạt được 5/19 tiêu chí (Quy hoạch, Bưu điện, Y tế, Hệ thống chính trị và An ninh chính trị), phấn đấu đến năm 2015 đạt thêm 5 – 6 tiêu chí nữa và đến năm 2020 Quế Phong cơ bản trở thành xã NTM. Tuy nhiên, để hoàn thành theo đúng lộ trình xây dựng NTM mà Quế Phong đặt ra, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự đóng góp của cộng đồng, người dân thì một xã khó khăn như Quế Phong, rất cần sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa về nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời hỗ trợ đào tạo nghề lao động nông thôn…