1. Chuẩn bị trước khi trồng:
– Lên liếp: Rất cần thiết vì có lên liếp thì bộ rễ cây mới phát triển tốt, tưới nước được dễ dàng.
Liếp cao trung bình 15-40 cm tuỳ theo mùa, mùa nắng lên liếp thấp, mưa lên liếp cao.
Thông thường liếp đơn rộng 0,7 – 1,0 m trồng 1 hàng rau như ớt, cà phổi, cà chua, dưa leo, khổ qua; sử dụng màng phủ khổ 0,9 m hoặc 1 m.
Nhưng trồng dưa hấu, bí đỏ, bí đao, bầu, mướp… nên dùng khổ 1,2 m trồng 1 hàng trên liếp; lên liếp rộng 1 – 1,2 m vì bộ rễ chúng phát triển rất rộng.
Nếu trồng hàng đôi (2 hàng/liếp) đối với cà phổi, cà chua, ớt, dưa leo,đậu đũa, đậu cove… dùng màng phủ khổ 1,2 – 1,4 m.
Trên đất ruộng, trồng hàng đôi có thể lên liếp rộng 1,2 – 1,5 m trồng 2 hàng dưa leo, nhưng dùng 2 màng phủ (khổ 1 m) đậy song song theo chiều dài liếp,
chừa rảnh giữa rộng khoảng 10 cm và sâu 10 cm để đi lại và tưới thêm lúc thu hoạch trái rộ sẽ cho năng suất tăng đáng kể.
Những nông dân trồng rau có kinh nghiệm sử dụng màng phủ nông nghiệp thích dùng màng phủ khổ rộng hơn mặt liếp,
trùm kín chân liếp vì khỏi phải làm cỏ xung quanh mé liếp và giữ độ ẩm tốt hơn.
– Rải phân lót: Gồm toàn bộ vôi, phân chuồng và khoảng 1/4-1/3 tổng lượng phân hoá học. Bón bằng cách rãi phân trên toàn bộ mặt liếp, rồi xới trộn đều.
Nên bón lót lượng phân nhiều hơn trồng phủ rơm vì phân bón nằm dưới màng phủ ít bị mất mác và khi đã đậy màng phủ khó giở ra để bón phân.
– Cách phủ màng phủ: Trong mùa nắng, sau khi phơi đất, lên liếp, bón phân lót nên tưới nước trên mặt liếp trước khi đậy màng phủ,
đặc biệt ngay hàng sẽ trồng cây. Mùa mưa, không phơi đất được sau khi cuốc lên, bón phân lót (có thể bồi bùn như ở huyện Gò Công Tây,
Tiền Giang để vài ngày cho đất ráo, mặt đất hơi răn nứt) rồi đậy màng phủ.
Cần 2 người thực hiện thao tác đậy màng phủ, dùng cây tròn hoặc ống kim loại đường kính 3-5 cm xỏ xuyên qua lõi cuồn màng phủ,
một người cố định ở một đầu màng và một người khác kéo màng phủ theo chiều dài màng, đến cuối liếp rồi cắt ngang.
Nên phủ kín cả hai bên chân màng để tránh cỏ mọc và giữ bộ rễ được tốt, trên nền đất lúa giữ mực nước cách mặt liếp 25-30 cm.
Cố định màng phủ tránh gió tốc bằng cách dùng dây chì bẻ hình chữ U mỗi cạnh khoảng 10 cm ghim hai bên mé màng phủ (dây chì sử dụng được nhiều năm)
hoặc dùng tre chẻ lạc ghim mé màng (trên đất có nhiều sét, mềm và dẻo), cũng có thể lắp đất xung quanh mé màng.
Trên nền đất lúa, đa số bà con trồng dưa hấu ở Hải Dương, Tiền Giang…..,dùng dây ni long cột mỗi đầu dây một đoạn cây dài khoảng 15 cm,
chiều dài dây bằng độ rộng của màng phủ, giăng dây ngang mặt màng phủ khoảng cách 1,2-1,5m một dây.
Cách này dễ vén lên để tưới nước hoặc bón phân sau này, nhưng dễ bị gió lùa vén màng phủ dồn lên trên mặt liếp lúc cây mới trồng.
– Đục lổ màng phủ: Dùng lon sữa bò, có khoét lổ thông gió xung quanh chân lon, làm cán để cầm, cột dây chì vòng miệng lon chừa râu dài 50 – 70 cm để đo khoảng cách,
đốt than nóng cho vào trong lon. Cách này thao tác đục lổ rất nhanh và đều mà không cần làm dấu vị trí lổ đục trước đó (1.000m2 đục lổ trong 30 phút),
thực hiện dễ dàng trong mùa nắng.
Còn trong mùa mưa, mặt màng phủ ướt việc đục lổ bằng than nóng khó thực hiện hơn,
nên dùng lon có đường kính nhỏ 6 – 7 cm như lon nước yến hoặc lon cá mòi cắt bỏ viền cứng ở miệng lon, mài bén mép lon rồi đặt lon lên màng phủ,
tay vừa ấn xuống và vừa xoay tròn,
chỉ áp dụng dễ dàng trên mặt liếp bằng phẳng, rất dễ thực hiện trên đất ruộng, mềm và mặt liếp có bồi bùn vài ngày sau.
– Xom lổ mặt đất: Dùng chày tỉa xom lổ đường kính rộng 7-8 cm. Độ sâu tùy cách gieo hột: gieo thẳng (xom lổ cạn 2-3 cm), còn đặt cây con (xom sâu 5-7 cm).
– Xử lý mầm bệnh: Phun thuốc trừ nấm bệnh như Copper B (20 g/10 lít) hoặc Validacin (20 cc/10lít) vào lổ trước khi đặt cây con .
2. Trồng cây:
Rải một ít đất mịn hoặc rơm hoặc trấu mục vào trong lổ (không nên dùng nhiều tro trấu,
nhất là trong mùa nắng vì sức nóng của màng phủ và của tro làm cây con bị hóc, phát triển yếu),
gieo hột hoặc đặt cây con vào lổ rồi lắp đất xung quanh gốc.
Có sử dụng màng phủ nên cấy cây con sớm hơn bình thường (cà chua, ớt khoảng 15-20 ngày thay vì 25-30 ngày).
Nếu trồng trễ hơn cây cao quá, khi trồng trên màng phủ gặp nắng mạnh, cây bị héo lá hoặc chóp ngọn chạm đất bị cháy, cây mất sức, chậm phục hồi.
Cần xử lý côn trùng phá hại cây con bằng thuốc hột như Basudin 10H, Regent rãi xung quanh gốc sau khi gieo hột hoặc sau khi cấy cây con (2 kg/1.000 m2).
3. Chăm sóc sau khi trồng:
– Tưới nước:
Trồng – 2 tuần sau khi trồng: Bộ rễ cây còn nhỏ, ăn cạn chưa cần nhiều nước,
chỉ cần đủ ẩm nên dùng thùng vòi thùng búp sen tưới đều trên mặt liếp giống như tưới nước trồng không màng phủ, tưới 3-5 lần/ngày trong mùa nắng.
Chú ý tăng số lần tưới vào buổi trưa, giúp làm giảm nhiệt độ mặt liếp, cây con ít bị sốc.
Để tránh cây con bị xoáy gốc có thể dùng rơm chặt ngắn 10 – 15 cm đậy trên hốc sau khi gieo hoặc sau khi cấy.
Ở những vùng gió nhiều, khi cây con lên khỏi mặt màng phủ dùng một ít đất tấn xung quanh gốc giúp cây đứng vững.
Giai đoạn này cây con trong màng phủ sinh trưởng chậm hơn cây con phủ rơm, do sức nóng của màng phủ và việc cung cấp nước khó khăn.
Sau 2 tuần: Bộ rễ cây phát triển đầy đủ về chiều sâu và rộng, nếu trồng trong mùa nắng tiến hành tưới thấm,
bơm nước vào rảnh, thường 2 – 4 ngày mới tưới một lần. Trên nền đất cát, bơm nước đầy rảnh ngang đỉnh mặt liếp nước thấm từ từ vào trong liếp.
Trên đất thịt (thịt pha sét) nền ruộng lúa, bơm nước cách mặt đỉnh liếp 10- 15 cm,
chờ nước thấm vào liếp chừng 20-30 phút, dở màng phủ theo dõi độ ẩm đất rồi xả nước ra bớt, giữ mực nước trong rảnh cách mặt liếp 25 – 30 cm là tốt nhất,
mỗi ngày tưới nước một lần bằng cách đi dưới mương vén màng phủ lên dùng thau tát nước (phổ biến ở Tiền Giang).
Giai đoạn 1 tháng sau khi trồng cây trong màng phủ tăng trưởng tốt hơn trồng phủ rơm.
– Bón phân thúc:
Tưới phân vào gốc: Giai đoạn cây nhỏ (dưới 20 ngày tuổi) dùng lon, ấm hoặc thùng vòi pha phân loãng tưới ngay gốc cây (trong lổ đục)
chỉ sử dụng các loại phân dễ tan (Urea hặc DAP) với số lượng ít.
Rải phân vào đất: Thường 2 lần vào các ngày (15-20 ngày và 30-40 ngày sau khi trồng đối với rau ngắn ngày như dưa leo, khổ qua, đậu đũa, đậu cove,…
rải 3 lần đối với rau dài ngày như cà chua, ớt, cà phổi, đậu bắp (ngoài 2 lần trên bón thêm 1 lần 50-60 ngày). Mỗi lần khoảng 1/4 tổng lượng phân,
có đủ các thành phần dinh dưỡng NPK.
Cách bón phân : Có hai cách
Dùng lon đục lổ giữa 2 gốc cây rau hoặc 2 bên gốc cây rau, dùng chày tỉa xom xuống đất sâu 15 cm,
rồi dùng muỗng cà phê múc phân bỏ vào lổ, phân sẽ tan từ từ rất an toàn, nhưng nên bón phân hơn sớm.
Giở màng phủ lên một bên rải phân đều cách gốc 15-20 cm, cách này tốn công và cây dễ bị ngộ độc phân vì rễ non của cây nằm sát mặt đất
(chỉ nên rải lượng phân nhỏ hoặc nên pha phân loãng để tưới nhiều lần cho hiệu quả tốt hơn).
Các loại rau thu hoạch nhiều lần, trong thời gian thu trái cũng nên tưới phân hỗn hợp N-P-K xen kẻ phân các đợt thu hoạch để kéo dài thời gian thu hoạch hơn và giảm tỉ lệ trái đèo.