Tham dự diễn đàn có lãnh đạo một số Cục, Vụ, Viện, Trung tâm liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đại diện lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và NPTNT các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Ngoài ra, còn có các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư, doanh nghiệp thu mua, chế biến sắn và đặc biệt là sự tham gia của bà con nông dân tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Sắn là loại cây được trồng rộng rãi tại Việt Nam do nước ta có điều kiện tự nhiên, xã hội thích hợp cho cây sắn phát triển, cây sắn có thể sinh trưởng được trên hầu hết các loại đất (trừ đất úng nước), dễ tính, không đòi hỏi thâm canh cao, đang trở thành cây góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Sắn được xếp hàng thứ ba sau lúa và ngô, cây sắn tạo ra lượng tinh bột cao nhất trong các cây lương thực, ngoài việc được sử dụng làm lương thực cho con người, làm thức ăn gia súc, sắn là cây công nghiệp xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Tinh bột sắn được dùng trong công nghiệp, là nguyên liệu quan trọng để sản xuất ehtanol chế biến nhiên liệu sinh học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177/2007/QĐ – TT ngày 20/11/2007 về ”Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Theo quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/2/2012 của Thủ Tướng Chính Phủ về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển nghành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030”, Bộ Nông Nghiệp và PTNT có Quyết định số 824/QĐ-BNN-TT ngày 16/4/2012 về phê duyệt “Đề án phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, theo đó cây sắn sẽ có diện tích là 500 ngàn ha vào năm 2020 và 450 ngàn ha vào năm 2030, thâm canh để đạt sản lượng 11 triệu tấn làm thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học, sử dụng đất có độ dốc dưới 15 độ, tầng dày trên 35 cm chủ yếu ở Trung du miền núi phía Bắc, duyên hải Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.
Những năm gần đây, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó giống mới đóng vai trò rất quan trọng đã nâng năng suất sắn lên rất nhanh từ 83,3 tạ củ tươi/ha năm lên 176,93 tạ củ tươi/ha năm 2012, đưa sản lượng sắn từ 2,28 triệu tấn năm 1995 lên 9,75 triệu tấn năm 2012. Nhu cầu về sắn tăng cao đã đẩy giá sắn lên cao là nguyên nhân chính làm diện tích trồng sắn tăng nhanh trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, việc tăng nhanh diện tích trồng sắn đã phã vỡ quy hoạch, kế hoạch dẫn đến phá rừng, đất bị sói mòn, rửa trôi nghiêm trọng. Nông dân chủ yếu canh tác theo phương thức quảng canh, ít đầu tư thâm canh nên đất trồng sắn có xu hướng thoái hóa, bạc mầu khó phục hồi, sâu bệnh gây hại ngày càng nhiều, tình trạng nước thải gây ô nhiễm môi trường của các nhà máy chế biến là những thách thức không nhỏ cần có hướng giải quyết triệt để trong thời gian tới Diễn đàn đã lắng nghe báo cáo của các viện, trường, các địa phương, báo cáo của các doanh nghiệp, các chuyên gia đầu nghành về tình hình, thực trạng, kinh nghiệm và kết quả của việc phát triển trồng sắn, chế biến và tiêu thụ sắn tại một số địa phương dẫn đầu về diện tích cũng như sản lượng của cây sắn. Những tham vấn các giải pháp, biện pháp cụ thể, thực thi cũng như những khó khăn, vướng mắc, những ý kiến đóng góp trao đổi thông tin của đông đảo bà con nông dân – những người trực tiếp gắn bó với cây sắn để giúp cho bà con yên tâm canh tác.
Minh Thuận