Tìm hiểu thực tế, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước loài cây có thể phát triển trồng rừng rất nhanh…
Tình cờ tôi gặp anh Bùi Văn Tính (Cty CP Nông lâm nghiệp Lâm Vỹ Tín), được biết, nhóm các anh gồm ba thành viên hiện đang ráo riết bắt tay vào triển khai dự án trồng khảo nghiệm giống cây rừng mới có tên Thiên Ngân với qui mô lớn tại một số tỉnh phía Nam.
HÀNH TRÌNH TÌM “CÂY TỶ PHÚ“
Dẫn chúng tôi xuyên qua cả chục km đường dốc trơn trượt rất khó đi, đến thăm trang trại rộng cả chục ha của anh Nghiêm Gia Dũng nằm sâu trong khu vực ấp 2, xã Suối Trầu, huyện Long Thành (Đồng Nai), là người đầu tiên ở đây trồng giống cây Thiên Ngân (còn gọi “cây tỷ phú”).
Anh Tính phấn khởi khoe: “Chúng tôi đang phối hợp với trang trại của anh Dũng để làm điểm khảo nghiệm và sản xuất cây giống. Sau đó, dần dần sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn khi đã chứng minh được tiềm năng thực tế và hiệu quả “thần tốc” của giống cây này mang lại cho người trồng!”.
Anh Tính kể, khoảng cuối năm 2008, tình cờ anh gặp một Việt kiều nói chuyện ở bên Thái Lan đang trồng giống cây rừng rất “hot”, có tên gọi là Tagu, khả năng loại cây này rất phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu ở Việt Nam. Nghe vậy, anh Tính về bắt đầu nung nấu ý tưởng quyết tâm phải đi tìm hiểu bằng được.
Mấy lần bay sang Thái Lan, anh lặn lội đến những vùng đang trồng cây Thiên Ngân để tìm hiểu thông tin rồi đặt vấn đề mua cây và hạt giống đem về nước trồng thử nghiệm. Lúc đầu anh chỉ mua được nửa kg hạt giống (60 triệu đồng) về gieo thử trên khay, chậu nhưng chẳng hiểu tại sao hạt giống không chịu nảy mầm.
Sau đó, anh Tính lại tiếp tục bay sang Thái Lan, lần này anh tìm mua được 70 cây giống (khoảng 60 ngày tuổi) gồm ba loại trắng, vàng và đỏ mang về trồng thử nghiệm tại xã Tân Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) vì thấy vùng này có điều kiện khí hậu giống bên Thái Lan.
Tuy nhiên, sau hai tháng kiểm tra thấy cây giống trong vườn trồng vẫn y vậy, chẳng phát triển cao thêm được chút nào khiến anh Tính rất lo lắng. Vậy nhưng, kiên trì theo dõi, anh mới biết được nguyên nhân do trồng cây đúng thời điểm mùa khô hạn thiếu nước tưới khiến cây bị “khát” và kém phát triển.
Do vậy, anh phải mướn thêm người chăm sóc, ban ngày tăng cường nước tưới cho cây, còn ban đêm cây tự hấp thụ sương, không ngờ chỉ một tháng sau cả vườn cây từ từ hồi sức và phát triển rất mạnh. Nhìn vườn cây Thiên Ngân đang ngày càng phát triển lên nhanh đều, lá cây to gần bằng tàu lá chuối xanh mướt, anh Tính mừng như vớ được vàng và tin tưởng mình đã thành công.
Tuy nhiên, mới bước vào “nghiệp cây giống” anh Tính còn rất bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây. “Đang loay hoay chưa biết xử lý vườn cây giống thế nào để nhân rộng mô hình thì tình cờ tôi gặp được anh Mai Viết Phẩm (TP.HCM) và anh Bùi Văn Tân (Kiên Giang), biết các anh cũng đang tìm hiểu về giống cây Thiên Ngân khi nghe các nhà khoa học giới thiệu về giống cây này rất hiệu quả.
Chúng tôi gặp nhau cùng trao đổi chia sẻ về vườn cây và những ý tưởng làm ăn, thấy rất hợp gu nên cả ba chúng tôi đã thống nhất lập công ty và cùng chung tay xây dựng dự án phát triển giống cây trồng rừng!”, anh Tính tâm sự.
XÂY DỰNG “VỆ TINH” GÂY RỪNG
Cầm trên tay những cây giống nhỏ đang ươm trong vườn, anh Tính hào hứng giới thiệu: “Đây là giống cây mới, người dân Thái Lan gọi là cây Tagu. Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn gọi là “cây tỷ phú”, sau các nhà khoa học lâm nghiệp đặt là cây Thiên Ngân, có người tôn vinh “cây kỳ tích” bởi những tiềm lực cực lớn của nó trong việc gây rừng, chúng mọc rất nhanh trên mọi địa hình và ở các vùng đất khác nhau!”.
Ươm giống cây Thiên Ngân
Theo anh Tính, lúc đầu anh chỉ nghĩ rằng mua cây giống về để tự trồng phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, sớm có duyên gắn với “nghiệp vườn” khi vừa gặp anh Phẩm và Tân, các anh đã rất tâm đắc với ý tưởng lập dự án phát triển giống cây này trồng rừng.
Vốn là nhà vườn có thâm niên trồng nhiều loại giống cây ăn trái, đặc biệt nổi tiếng với nghề trồng cam đỏ không hạt trên TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), anh Mai Viết Phẩm có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển vườn cây và chọn tạo, nhân cây giống. Còn anh Bùi Văn Tân đang là dân kinh doanh nhưng cũng rất tâm đắc với loài cây mới nên khi các anh vừa gặp nhau như đã thân thiết từ lâu, thế là thống nhất bắt tay triển khai ngay dự án.
Gặp chúng tôi, anh Nghiêm Gia Dũng, chủ vườn tâm sự: “Cuối năm ngoái tôi mới bắt đầu triển khai trồng giống cây này trên diện tích 7 ha (khoảng 4.000 cây). Mặc dù lúc đó đang thời điểm vào đầu mùa khô nhưng cây phát triển rất nhanh, mới hai tháng đầu cây đã cao được 1,2 mét, lá to xanh mướt. Đến nay, vườn cây Thiên Ngân đã cao vượt quá đầu người và phát triển rất đều”.
Mới đây ông Phó trưởng ấp 2 cũng triển khai trồng thử 1 ha cây Thiên Ngân để so sánh với mô hình trồng cây tràm và keo. Còn nhiều hộ dân xung quanh thấy vườn Thiên Ngân của anh phát triển nhanh, có tiềm năng hơn trồng keo, tràm nên ai cũng muốn chuyển hướng qua trồng giống cây này.
“Tôi đang dự tính cuối năm nay sẽ mở rộng thêm khoảng 5 ha để nhân cây giống, đồng thời sẽ thỏa thuận với các hộ dân làm “vệ tinh” cùng trồng cây Thiên Ngân và cung cấp cây giống cho họ trồng làm trụ tiêu, sau 5 đến 10 năm sẽ thu hoạch gỗ và ăn chia 50/50 giá trị cây”, anh Dũng nói.
Cây Thiên Ngân đến ngày thu hoạch gỗ
NHÂN RỘNG MÔ HÌNH RỪNG SẢN XUẤT
Thiên Ngân có tên khoa học Neolamarckia Cadamba, cây trưởng thành có thân cao tới 30 mét, đường kính tới trên 100 cm, thân tròn, thẳng đứng. Hiện cây Thiên Ngân có mặt ở các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Srilanka, Philipin, Ấn Độ, Indonexia, Mianma, Thái Lan… Cây sinh trưởng nhanh, sau 5-10 năm đã thành cây gỗ lớn. Vì có sức mọc nhanh đến kỳ lạ, nên cây Thiên Ngân có triển vọng rất lớn. Nếu thâm canh cao, thì chỉ sau 5 đến 8 năm đã thu hoạch được cây gỗ lớn và có khả năng tái sinh cao.
Để tìm hiểu thêm về cây Thiên Ngân, bạn đọc có thể liên hệ: Anh Bùi Văn Tân, GĐ Cty CP Nông lâm nghiệp Lâm Vỹ Tín, phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. ĐT: 0917247724.
|
Mặc cho cơn mưa dày hạt đang đổ ào xuống, nhóm trí thức trẻ vẫn cặm cụi chăm sóc vườn ươm giống của mình để kịp chuẩn bị cho đợt trồng khảo nghiệm giống có quy mô trên những nơi diện tích rừng bị phá. Anh Mai Viết Phẩm cho biết: “Loại cây này rất dễ trồng, nếu trồng để lấy nguyên liệu làm giấy thì với khoảng cách 2 mét/cây, còn trồng lấy gỗ thì trồng 4 mét/cây. Cũng có thể trồng kết hợp hai mục đích trên thì trồng 1,5 mét/cây và cách mỗi năm thu hoạch 1 cây”.
Theo anh Phẩm, cây Thiên Ngân có tốc độ phát triển rất nhanh nên thích hợp với việc tái tạo rừng ở các lưu vực sông, vùng đất bị xói mòn. Cây có thân thẳng đứng, gỗ vàng nhạt kết cấu đều, sợi gỗ thô và dài, không có mùi vị dị biệt, gỗ khô nhanh, không dễ nứt nên rất dễ chế biến. Loại gỗ này vẫn được dùng để sản xuất đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ, thùng xe, trang trí kiến trúc, là nguyên liệu rất tốt để làm ván sợi nhân tạo, ván MDF, bột giấy…
Trao đổi với NNVN, anh Bùi Văn Tân, GĐ Cty CP Nông lâm nghiệp Lâm Vỹ Tín cho biết: “Hiện chúng tôi đã đi khảo sát thực tế ở nhiều địa phương và lên kế hoạch hợp tác với các hộ dân để nhân rộng mô hình trồng cây Thiên Ngân xen trong rẫy cà phê, hay vườn ca cao sẽ rất hiệu quả!”.
Anh Tân cho biết, các anh đang triển khai thêm những điểm trồng khảo nghiệm giống tại Lâm trường Hòn Đất và Lâm trường Kiên Lương (Kiên Giang). Đồng thời xây dựng được hai trại giống ở xã Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và TP.Rạch Giá (Kiên Giang) với mỗi trại có quy mô khoảng 150.000 cây giống.
Hiện đã triển khai hợp tác với các hộ dân nhân rộng mô hình trồng xen trong rẫy cà phê với diện tích 60 ha trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đến nay, dù mới trồng được 14 tháng nhưng cây đã cao 3 mét với đường kính 10 cm, mô hình này được nhiều hộ dân rất ủng hộ.
GIÁ TRỊ GẤP 10 LẦN TRÀM, KEO? Theo anh Bùi Văn Tân, mỗi ha trồng được 600 cây, sau khoảng 5 năm cây sẽ đạt vanh thân 120-160 cm, chiều cao tối đa là 12 mét, tính ra mỗi cây sẽ cho bình quân 1 khối gỗ. Như vậy, với mỗi ha đã có khoảng 500-600 khối gỗ, bán với giá thị trường 1,5 triệu/khối gỗ thì đã thu được 750 triệu/ha. Còn thực tế trồng cây tràm hoặc keo sau 5 năm chỉ thu hoạch tối đa đạt khoảng 70 triệu/ha, như vậy trồng cây Thiên Ngân cho thu nhập cao hơn gấp 10 lần so với cây tràm, keo. |