VINAGRI News – Liên tiếp sụt giảm sản lượng, một nghịch lý đang diễn ra trên thị trường xuất khẩu cá tra. Vì thế, khi giá cá tăng cũng lại gặp lúc người nông dân… “chán” cá tra.
Ảnh minh họa
Giá tăng, vẫn treo ao
Theo Sở NN & PTNT tỉnh Vĩnh Long, hiện giá cá tra nguyên liệu thu mua tại ao trong tháng dao động theo chiều hướng tăng, từ 21.000 – 23.000 đồng/kg. Tuy nhiên với giá thành sản xuất khoảng 23.000-24.000 đồng/kg, người nuôi cá tra vẫn còn lỗ từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Tình hình này cũng diễn ra tương tự tại Đồng Tháp.
Thua lỗ kéo dài đã khiến diện tích và sản lượng nuôi trồng cá tra tại nhiều tỉnh ĐBSCL liên tiếp sụt giảm. Sản lượng cá tra trong 9 tháng đầu năm chỉ ước đạt 723.000 tấn, tương ứng với diện tích nuôi thả khoảng 5.600 ha. Ghi nhận tại An Giang, hiện diện tích nuôi trồng đã giảm 13% và giảm 8% về sản lượng, Cần Thơ giảm 5% về diện tích, Vĩnh Long giảm 2% về diện tích và giảm 11% về sản lượng, Bến Tre giảm 5% về diện tích và giảm 4% về sản lượng. Nhiều nơi diện tích ao treo lên tới 30-40%, thậm chí 60%.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, hiện lượng cá tra đạt kích cỡ 0,6 – 0,7kg còn trong dân khoảng 50.000 tấn, chỉ bằng 25% so với mức 200.000 tấn cùng kỳ năm trước. Lượng cá có trọng lượng trên 1 kg không còn đáng kể. Nguy cơ thiếu nguyên liệu cho các nhà máy tháng cuối năm đã hiện hữu.
Cơ hội mới cho người nuôi cá?
Lý giải nguyên nhân khó khăn, giới chuyên gia cho biết, một mặt do giá cá tra nguyên liệu giảm, giá chi phí nguyên liệu đầu vào tăng. Mặt khác do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn giảm. Cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ khó tăng trưởng những tháng cuối năm do lượng cá tra tại Mỹ còn nhiều bởi ảnh hưởng từ mức thuế chống phá giá với mức thuế nhập khẩu cao.
Đáng chú ý, sản xuất cá tra giảm chủ yếu ở khu vực hộ gia đình do hợp đồng với DN chế biến chỉ được ký kết khi cá đạt tiêu chuẩn nên thường xảy ra tình trạng giá cả không ổn định, lệ thuộc vào thị trường tiêu thụ từng thời điểm. Bên cạnh đó, giá cả thương phẩm liên tục nằm dưới giá thành sản xuất và khó tìm được đầu ra, khiến người nuôi chịu thua lỗ trong thời gian dài dẫn đến hết vốn và hầu như không còn khả năng tái sản xuất.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản Đồng Tháp cho biết, có DN thu mua cá với giá cao nhưng thời gian trả nợ cho nông dân chậm, thậm chí còn “quỵt” nợ, chiếm dụng vốn của người dân. Dù rằng, theo NHNN, tổng tín dụng phục vụ ngành cá tra đã tăng hơn 18% trong 7 tháng 2013 so với cuối năm 2012, nhưng thực chất vốn chỉ dành cho DN. Bản thân người nông dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay do thiếu sự đảm bảo cần thiết.
Làm gì để gỡ khó cho người nuôi cá? Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang cho rằng, các DN phải đoàn kết lại, chơi cùng một sân chơi. Điều quan trọng nữa là tạo đầu ra cho xuất khẩu, giá xuất tăng để từ đó sản xuất hiệu quả, có vốn đầu tư, ngân hàng cho vay vốn. Trong ngắn hạn, chủ trương chung của ngành thủy sản vẫn là khuyến cáo người nông dân sản xuất đạt chất lượng, giảm giá thành. Chọn lọc DN tin tưởng để liên kết, tránh bị ép giá, phá giá.
Nhiều chuyên gia cho rằng, dù còn khó khăn nhưng đây cũng là cơ hội cho con cá tra. Nhưng người nông dân có thể tận dụng cơ hội hay không, thì vẫn cần sự vào cuộc mạnh hơn nữa của các cơ quan chức năng.
Nguyễn Nga/ Báo Đại Đoàn Kết