Do thiếu đất SX nên ở miền núi vẫn phải canh tác trên đất có độ dốc lớn. Tình trạng xói mòn, thoái hóa đất diễn ra thường xuyên dẫn đến hiệu quả SX thấp. Vì thế, việc tìm ra những giải pháp canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất dốc là nhiệm vụ hết sức cấp thiết.
Diễn đàn “Một số giải pháp về canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất dốc vùng Tây Bắc” đã diễn ra tại Sơn La (hoạt động song song với Hội chợ Nông nghiệp – Thương mại vùng Tây Bắc tại huyện Mai Sơn, Sơn La) do Trung tâm KNQG phối hợp với Sở NN-PTNT Sơn La phối hợp tổ chức.
Tham dự có hơn 200 đại biểu là nông dân và cán bộ khuyến nông khu vực miền núi phía Bắc, đây là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả SX nông nghiệp trong vùng. Chủ trì diễn đàn gồm ông Trần Văn Khởi, PGĐ Trung tâm KNQG; ông Hà Quyết Nghị, Tỉnh ủy viên, GĐ Sở NN-PTNT Sơn La.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Văn Khởi cho biết: Hiện cả nước có khoảng 10 triệu ha đất SX nông nghiệp thì ngoài 4 triệu ha lúa, phần còn lại khoảng trên 5 triệu ha là đất dốc. Phần đất dốc được trồng chủ yếu là cây công nghiệp, cây ăn quả và cây màu lương thực.
Trong đó, đất có địa hình dốc dưới 15o (chiếm hơn khoảng gần 22%) đã được sử dụng cho SX nông nghiệp hoặc nông lâm nghiệp. Còn lại là diện tích đất có độ dốc từ 15o – 25o (chiếm trên 16%), và trên 25o (chiếm trên 61%). Do đó, đồng bào miền núi gặp rất nhiều khó khăn trong khâu canh tác.
Những năm gần đây, nhiều chương trình kinh tế – xã hội của nhà nước như chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc, chương trình 661, chương trình phát triển lâm nghiệp xã hội, xóa đói giảm nghèo bảo vệ rừng đầu nguồn… đã tạo ra những chuyển biến tích cực góp phần bảo vệ đất và sử dụng đất đồi núi hợp lý, hiệu quả cao.
Năng suất của hầu hết các loại cây trồng vùng Tây Bắc đều được tăng lên: Đối với SX lúa, sản lượng thóc năm 2011 đạt 633 nghìn tấn, tăng 91 (16,8%) so với năm 2005. SX ngô cũng có sự bứt phá rất mạnh trong 5 năm gần đây với sản lượng ngô toàn vùng năm 2011 đạt 778 nghìn tấn, tăng 375 nghìn tấn (93%) so với năm 2005…
Ngành lâm nghiệp cũng có sự khởi sắc. Kết quả SX nông lâm nghiệp trên vùng đất đồi dốc góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực vùng và hộ gia đình, xoá đói giảm nghèo, từng bước chuyển sang SX hàng hóa.
“Đất dốc của cả nước nói chung và các tỉnh phía Bắc nói riêng rất đa dạng, giàu tiềm năng, là nơi sinh sống của nhiều triệu người nhưng vẫn chứa đựng những khó khăn và bất cập như đất đai bị xói mòn, rừng đầu nguồn cạn kiệt, đất đai ngày càng nghèo dinh dưỡng do thoái hóa, thiên tai dịch bệnh ngày càng nhiều… Đứng trước thách thức đó, yếu tố bền vững trong SX nông nghiệp là rất quan trọng mà các nhà quản lý, nhà khoa học và người nông dân phải hướng tới”, ông Khởi nói. |
Theo nghiên cứu của Cục Trồng trọt, thực chất đất SX tiếp tục bị suy thoái chủ yếu là vì cuộc sống của người dân địa phương quá khó khăn, nên họ phải xâm nhập vào các khu rừng để tìm kế sinh nhai.
Như vậy, việc xóa đói phải được đặt ra trước tiên. Nhưng chúng ta vẫn chưa làm được, bởi một phần khách quan địa hình chia cắt, mặt khác do hệ thống thông tin tuyên truyền yếu, hệ thống khuyến nông làm việc tại vùng sâu, vùng xa kém, người dân không tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật. Loại hình canh tác quản canh vẫn tồn tại phổ biến ở một số dân tộc nhóm Mông, Dao, Tạng, Miến, Môn và Khmer dẫn đến năng suất cây trồng thấp và bấp bênh.
Tại diễn đàn, đại diện Viện KHKT NLN miền núi phía Bắc – ông Nguyễn Văn Tin, Trưởng Bộ môn Khoa học đất & sinh thái vùng cao đã đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật canh tác đất dốc bền vững ở vùng miền núi phía Bắc (đã được thực nghiệm thành công tại nhiều địa phương).
Từ năm 1998 – 2003, dự án SAM (dự án nông nghiệp miền núi) thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai các thực nghiệm về canh tác đất dốc. Tiêu biểu như ở huyện Thạch An, Cao Bằng, kỹ thuật canh tác đậu tương bền vững trên đất dốc thông qua che phủ đất bằng tàn dư thực vật, bón phân cân đối theo quy trình tác giả, bổ sung vôi và lân giúp tăng năng suất đậu tương từ 47,0 – 54,8% so với cánh làm truyền thống của nông dân.
Xen canh, tăng vụ cũng là một trong những biện pháp canh tác hữu hiệu và bền vững trên đất dốc, trong đó sắn trồng xen lạc là một điển hình. Qua nhiều năm theo dõi cho thấy, nếu trồng sắn thuần chỉ cho thu nhập gần 17 triệu đồng/ha, trong đó, nếu trồng xen đậu tương sẽ cho tổng thu nhập là 27 triệu đồng/ha và cho tổng thu 38,2 triệu đồng/ha nếu trồng xen 2 hàng lạc, tương đương tang từ 59 – 125% so với trồng sắn thuần.
Ngoài ra, việc trồng xen lạc với sắn còn cáo khả năng chống xói mòn đất rất tốt, lượng đất bị xói mòn giảm từ 71 – 86,9% so với đối chứng trồng thuần…
Tuy nhiên, kỹ thuật canh tác được nhiều chuyên gia nông nghiệp khuyên bà con nên áp dụng phổ biến đối với loại đất dốc là làm ruộng bậc thang. Bởi, nó có nhiều ưu điểm như giữ đất, giữ nước, chống xói mòn và dễ canh tác, chỉ cần đầu tư công sức cải tạo ruộng thời điểm ban đầu.
Tại diễn đàn, Ban chủ tọa và đội ngũ cố vấn gồm các chuyên gia khuyến nông, nhà khoa học và quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp đã giải đáp hơn 40 câu hỏi của bà con nông dân về các vấn đề liên quan đến canh tác bền vững trên đất dốc.
Trong đó, vấn đề bảo vệ thực vật đặc biệt được quan tâm. Với câu hỏi: Làm thế nào để sử dụng thuốc diệt cỏ hiệu quả và bảo vệ môi trường sinh thái tại khu vực đầu nguồn nước, ông Hà Văn Lán, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Sơn La, khẳng định: Đối với bất cứ loại thuốc diệt cỏ nào cũng chứa những chất cực độc, vì thế nhà nước nghiêm cấm bà con sử dụng thuốc diệt cỏ (còn gọi là thuốc cháy nhanh). Mặt khác, việc sử dụng liều lượng thuốc diệt cỏ cũng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo công thức mà nhà SX khuyến cáo trên bao bì (tối đa không quá 2 kg/ha).
Thực tế, có rất nhiều nông dân vì muốn cỏ chết nhanh nên đã sử dụng quá liều lượng cho phép một cách vô tội vạ, làm cho vi sinh vật trong đất bị ngộ độc, không thể hấp thụ hết, dư lượng còn lại sẽ chảy xuống sông, suối hoặc ngấm xuống mạnh nước gầm gây ô nhiễm nguồn nước.
Canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất dốc phải đảm bảo 5 yếu tố, đó là: Phù hợp với đặc thù điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng; trình độ dân trí, văn hoá của từng địa phương; đảm bảo độ phì nhiêu của đất; có hiệu quả kinh tế với năng suất ổn định và ngày càng tăng lên. Và cuối cùng là bảo vệ môi trường sinh thái tại vùng canh tác. |