Những năm gần đây, hồ tiêu là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Giá hồ tiêu luôn ở mức cao khiến nhiều hộ nông dân đua nhau mở thêm diện tích.
Người thì chặt bỏ vườn cà phê, người thì tìm mọi cách phá rừng để lấy đất trồng hồ tiêu. Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo song người dân không mấy để tâm; cơn sốt này được dự báo là sẽ đi kèm với nhiều rủi ro khó lường.
Diện tích tăng vọt
Cây hồ tiêu mới phát triển trên địa bàn huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) trong một vài năm trở lại đây, nhưng đã nhanh chóng trở thành một loại cây trồng rất “hot”, được ưa chuộng nhất hiện nay. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích hồ tiêu toàn huyện đã tiến đến con số 550 ha và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Hầu như năm nào số diện tích hồ tiêu trồng mới cũng vượt trên 300% kế hoạch huyện giao. Nguyên nhân khiến bà con nông dân liên tục trồng mới hồ tiêu là do trong trong thời gian qua, giá của loại cây trồng có mùi vị cay nồng này luôn ở mức cao. Và như vậy, nhiều hộ gia đình đã không ngần ngại phá bỏ vườn cà phê kém năng suất để thay thế loại cây trồng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao này.
Nông dân Nguyễn Ngọc Thiện, ở thôn 7, thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) cho biết: “Mấy năm trước, gia đình tôi trồng thử nghiệm hơn 500 trụ tiêu. Vụ thu hoạch vừa rồi, sau khi trừ đi chi phí đầu tư cũng thu được trên 200 triệu đồng tiền lãi. So với nhiều cây trồng khác như cà phê, điều… thì trồng tiêu đem lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều. Năm nay, gia đình tôi quyết định sẽ đầu tư thêm khoảng 200 triệu đồng để xuống giống khoảng 800 trụ tiêu nữa”.
Nhà nhà, người người ở huyện Mang Yang đua nhau trồng tiêu
Tình trạng trên cũng đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, lâu nay được coi là vùng trọng điểm hồ tiêu của tỉnh Gia Lai, như Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông… Thống kê chưa đầy đủ của Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, hiện toàn tỉnh có khoảng 9.000 ha hồ tiêu, vươn lên dẫn đầu cả khu vực Tây Nguyên về diện tích, “cháy” cả quy hoạch (theo quy hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu đạt 9.000ha hồ tiêu kinh doanh).
Ông Phạm Ngọc Cơ, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Mang Yang cho hay, năm 2013, diện tích cây hồ tiêu mà UBND huyện giao theo kế hoạch trồng khoảng 20 ha. Tuy nhiên, theo thống kê tới thời điểm đầu tháng 8, diện tích trồng mới đã gần 110 ha, đạt hơn 500% kế hoạch và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. |
Vụ tiêu năm 2009-2010, giá tiêu tăng đột biến từ 35.000 đ/kg đầu vụ lên 90.000 đ/kg cuối vụ. Đến vụ tiêu 2011-2012, giá tiêu tiếp tục tăng lên đến đỉnh điểm là 130.000 đ/kg. Vụ tiêu năm nay, giá hồ tiêu dao động ở mức 120.000 đ/kg và đang có chiều hướng tăng.
Với giá 120 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí, nông dân vẫn còn lãi hơn một nửa. Vì thế, đối với các huyện còn nhiều đất trống như Chư Prông, Đăk Đoa, Mang Yang…, hàng ngàn hộ dân đổ xô trồng tiêu, ước tính diện tích tăng lên đến hàng trăm ha mỗi năm.
“Sốt” đất và dây tiêu giống
Hơn một tháng qua, việc tìm mua dây tiêu giống là chủ đề khiến người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm. Do nhu cầu tăng cao nên giá dây tiêu giống cũng không ngừng tăng giá.
Nếu như trước đây, dây tiêu giống chỉ dao động từ 10.000 – 12.000 đ/dây, nhưng nay đã tăng vọt lên 15.000 – 25.000 đ/dây. Tuy nhiên, không phải người nào cũng tìm mua được dây tiêu giống vừa ý.
Bà Phạm Thị Loan, một người trồng hồ tiêu ở xã Ia Blang, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) ngao ngán cho biết: “Gần một tháng nay, tôi dạo hết các vườn tiêu nhưng vẫn chưa mua được giống về ươm trồng. Cứ đến vườn tiêu ưng ý nào thì y như rằng nhận được câu trả lời của chủ vườn, là đã có người đặt mua rồi. Kiểu này không biết tôi có kịp gieo trồng cho vụ tới không nữa”.
Ngoài “sốt” dây tiêu giống, giá đất nông nghiệp cũng không ngừng leo thang từng ngày. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại giá đất nông nghiệp theo giá Nhà nước thì chưa tới 100 triệu đồng/ha, nhưng giá đất thực tế trên thị trường hiện nay cao hơn từ 3 đến 4 lần so với giá Nhà nước.
Nhất là những vùng đất thích hợp để trồng cây hồ tiêu, với địa thế thuận lợi, nguồn nước đảm bảo thì giá càng được đôn lên cao, hơn 400 triệu đồng/ha. Cơn sốt đất trồng tiêu không ngừng leo thang khiến nhiều cánh rừng đã bị người dân triệt hạ không thương tiếc, điển hình là việc phá rừng thông phòng hộ ở huyện Mang Yang.
Một nguy cơ nữa từ việc trồng hồ tiêu ào ạt trên địa bàn huyện Mang Yang, đó là những người dân tộc thiểu số từ phía Bắc di cư tự do đến sinh sống nhiều năm qua ở các tỉnh Đắk Nông và Bình Phước, nay có “của ăn, của để” đã đến huyện Mang Yang để mua đất trồng hồ tiêu.
Những người này mua bán, sang nhượng đất đai bằng hình thức “viết tay” với người dân tại chỗ, khiến việc quy hoạch đất đai, dân cư trên địa bàn huyện Mang Yang “lộn tùng phèo”, chưa kể vấn đề mất an ninh trật tự…
Hệ lụy khó lường
Theo ông Phạm Ngọc Cơ, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Mang Yang, diện tích tiêu vượt kế hoạch ở Mang Yang chỉ nở rộ trong vài ba năm trở gần đây, khi giá tiêu không ngừng tăng cao.
Mặc dù vậy, không một cấp thẩm quyền nào “dám” ra văn bản “cấm trồng tiêu” cả! Bởi bất kỳ ngành sản xuất nào cũng đều được chi phối theo quy luật cung – cầu của thị trường. Giá tiêu đang cao ngất ngưởng thì người nông dân chạy đua để phát triển thêm diện tích cây tiêu là điều tất yếu.
Tuy nhiên, bài học của nhiều năm trước vẫn còn, đã biết bao hộ dân rơi vào nghèo khó, nợ nần chồng chất, những nhà trồng tiêu lớn rơi vào thảm cảnh phá sản. Việc nông dân ở tỉnh Gia Lai ồ ạt trồng tiêu, bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, không chỉ phá vỡ quy hoạch của tỉnh mà còn gây không ít lo ngại cho các ngành quản lý.
Hơn ai hết, người trồng tiêu cần ý thức được thực trạng đó để có kế hoạch gieo trồng hợp lý…