Theo Chi cục Thủy lợi Kon Tum, do ảnh hưởng bởi nắng hạn kéo dài, mức nước trên hầu hết các sông, suối đều giảm mạnh. Điển hình như trên sông Pô Ko lượng nước thấp hơn so với trung bình nhiều năm trước đó từ 5-15%. Các sông khác như Ðác Tờ Kan, Ðác Pxi, Ðác Bla… thấp hơn từ 15% đến 30%. Toàn tỉnh có gần 1.000ha cà phê thiếu nước tưới. Diện tích cà phê thiếu nước tưới sẽ tăng mạnh trong những ngày tới. Để khắc phục một phần hiện tượng khô hạn năm nay, UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng cho công tác chống hạn.
Theo Chi cục Thủy lợi Lâm Ðồng, mực nước của 426 công trình thủy lợi, hồ, đập giảm khoảng 10% so với mọi năm, nhiều hồ đã xuống dưới mực nước chết. Toàn tỉnh có 152.274 ha cà-phê, nhiều diện tích bắt đầu thiếu nước tưới, tập trung ở các huyện: Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Ðức Trọng… Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar (Ðác Lắc), trong số 51 hồ chứa tại địa bàn hiện chỉ có bốn hồ có nước, ba hồ đã khô cạn, số còn lại nằm ở mực nước chết. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ có khoảng 3.000 đến 4.000 ha cà-phê trên tổng số 35.000 ha cà-phê của huyện thiếu nước.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, toàn tỉnh có 625 hồ đập nhưng có tới 2/3 số hồ chứa nước chỉ đạt dưới 50% mực nước thiết kế, vì vậy nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất là rất lớn, tạo điều kiện sâu bệnh phát sinh gây hại cho sản xuất vụ xuân. Ðến nay, tỉnh đã gieo cấy được hơn 89.000 ha, với cơ cấu giống mở rộng diện tích lúa chất lượng; hơn 13.554 ha ngô, 12.500 ha lạc và 6.470 ha rau đậu các loại.
UBND xã Thạnh Phước (Bình Ðại, Bến Tre) cho biết, mùa khô năm nay tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp, hiện hơn 10.000 người dân trong xã bị thiếu nước ngọt trầm trọng, khiến việc sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong ggày 15-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải kiểm tra công tác phòng, chống hạn hán ở tỉnh Khánh Hòa. Hồ Cam Ranh lớn nhất tỉnh có dung tích thiết kế hơn 22 triệu m3 nước, nhưng lượng nước còn lại chỉ là 5%.