Mở rộng mô hình liên kết “Nông dân – Doanh nghiệp”
SGTT.VN – Dù chưa có nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tham gia, nhưng theo dự kiến của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT , năm 2013 ở ĐBSCL quy mô cánh đồng mẫu lớn sẽ lên đến 100.000 – 200.000 ha, trung bình mỗi tỉnh có 10.000 – 20.000 ha.
Bộ trưởng bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định tại hội thảo “Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với bộ NN&PTNT, hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ – ngày 5.9: “Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp là vấn đề quan trọng và phải làm trong giai đoạn mới vì chúng ta không thể tiến lên mạnh mẽ nếu không khắc phục những điểm hạn chế của việc sản xuất nhỏ lẻ, tự phát; phải liên kết sản xuất lớn mới có thể tạo tính bền vững và nâng cao được vị thế ngành nông nghiệp nước nhà.”
Cánh đồng mẫu lớn liên kết với công ty bảo vệ thực vật An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Yến |
Ngày thứ hai tham dự hội thảo, GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng ĐH Tân Tạo kỳ vọng sau hội thảo, mô hình tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp, nông thôn phải bắt tay vào làm để biết được hiệu quả tới đâu, cần làm gì để khắc phục những yếu kém và hoàn thiện cơ chế chính sách đã đặt ra.
Nếu diện tích lúa đăng ký sản xuất theo mô hình CĐML đầu năm năm 2011 chỉ có khoảng 7.200 ha, đến vụ đông xuân năm 2012 diện tích này nâng lên 20.000 ha và tiếp tục phát triển triển ở nhiều loại cây trồng vật nuôi khác nhau.
Từ góc nhìn của người đang đầu tư mạnh cho cánh đồng mẫu lớn, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang nói: “Đã trả giá quá đủ cho chuyện làm ăn riêng lẻ, sản xuất nhỏ, manh mún, bây giờ chỉ có quy mô lớn mới hiện đại hóa được và phải liên kết những hộ nông dân lại với nhau, hợp tác với doanh nghiệp cùng sản xuất mới có thể mang lại hiệu quả cao hơn.”
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op, từ góc nhìn của nhà phân phối, cho biết: người tiêu dùng mua ít, ăn ít nhưng phải có chất lượng. Vệ sinh an toàn thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc của sản phẩm… là yếu tố hàng đầu chứ không phải là giá cả như trước đây. Họ sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm có địa chỉ làm ra sản phẩm, nguồn nguyên liệu sản phẩm…
Việc tổ chức lại sản xuất theo mối liên kết, hợp tác là tất yếu, bản thân Saigon Co.op cũng đã hình thành những mối liên kết trực tiếp với người sản xuất chứ không muốn qua nhiều khâu trung gian vì khó kiểm soát được chất lượng và quy trình sản xuất.
Nhu cầu liên kết của Saigon Co-op không chỉ với nông dân mà liên kết với những doanh nghiệp cung ứng đầu vào và doanh nghiệp xử lý đầu ra của sản phẩm.
“Mở rộng những mô hình liên kết, liên doanh, hợp tác là điều kiện khơi thông dòng chảy tín dụng”, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước nói.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, việc liên kết phải thông qua những mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết nông dân – doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt dù số lượng doanh nghiệp đầu tư, quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp không nhiều.
Do chính sách đầu tư cho doanh nghiệp còn hạn chế nên doanh nghiệp chưa mặn mà, công tác tổ chức, chỉ đạo chưa thật sự quyết liệt. Ông Khoa đề xuất: “Chính phủ nên có chính sách thuế ưu đãi, được giảm thuế hoặc hỗ trợ 100% chi phí đầu tư thuê mặt bằng , hỗ trợ chi phí đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp…”
Riêng ông Hòa để nghị: “Nên chăng Chính phủ xem xét miễn giảm học phí cho những đối tượng sinh viên theo học các ngành phát triển nông nghiệp, nông thôn như đã làm đối với khối ngành sư phạm”.
NGỌC BÍCH