VINAGRI News – Chúng ta đang cảm nhận vị đắng hơn là hương vị ngọt ngào cùng những lợi ích từ ngôi vị quán quân xuất khẩu gạo của thế giới mà phải biết bao nỗ lực mới đạt tới.
Theo những thông tin mới nhất, sau khi đã “đại hạ giá” loại gạo tương đương gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam xuống còn 420 USD/tấn vào trung tuần tháng 8-2013, Thái Lan lại tiếp tục chào bán loại gạo này với giá còn 380-390 USD/tấn cuối tháng 8 vừa qua. Tính ra, trong cả tháng qua, cứ 4 ngày thì các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan lại đều đặn giảm giá gạo xuất khẩu chào bán một lần với mức 5 USD/tấn. Song, đó chưa phải là tin xấu nhất cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam khi có ý kiến lo ngại người Thái sẽ bán phá giá gạo xuất khẩu bởi lượng hàng tồn kho của nước này hiện quá lớn, lên đến khoảng 16 triệu tấn.
Việc một nước xuất khẩu gạo lớn và có sức cạnh tranh mạnh như Thái Lan liên tiếp giảm giá gạo xuất khẩu đã làm khó cho tất cả quốc gia xuất khẩu mặt hàng lương thực này trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hậu quả là không chỉ giảm giá gạo xuất khẩu mà số lượng hợp đồng bị hủy cũng lên tới mức cao nhất từ trước tới nay với khoảng 900.000 tấn, tính tới cuối tháng 7-2013.
Giá gạo xuất khẩu giảm chắc chắn sẽ gây áp lực giảm hơn nữa đến giá thu mua lúa gạo trong nước. Để chống chọi với xu hướng giảm giá, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã một lần nữa đề nghị Chính phủ mua tạm trữ thêm 300.000 tấn gạo. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, nhà nước phải mua tạm trữ gạo tới 3 lần trong 1 năm, sau khi đã mua tạm trữ 2 triệu tấn gạo của vụ đông xuân và hè thu.
Tình cảnh của ngành sản xuất lúa gạo trong nước hiện nay quả thật khó ngờ khi chúng ta luôn nỗ lực để chiếm lĩnh vị trí quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Từ mức khoảng 4,5 triệu tấn năm 2008, xuất khẩu gạo liên tục bứt phá để vượt ngưỡng 6 triệu tấn năm 2009, rồi 6,75 triệu tấn năm 2010, 7,1 triệu tấn năm 2011 và vươn lên ngôi vị quán quân xuất khẩu gạo thế giới vào tháng 10-2012.
Song, càng leo lên cao thì chúng ta lại càng phải chứng kiến sự đi xuống của giá mặt hàng lương thực này trên thị trường thế giới. Đã xuất hiện hiện tượng đáng lo ngại là nông dân bỏ ruộng vì nản với điệp khúc “trúng mùa, rớt giá”.
Vị đắng hạt gạo hiện nay buộc chúng ta phải giải bài toán khó với mặt hàng lương thực thiết yếu này. Đó là làm sao vừa đảm bảo an ninh lương thực, thu được lợi ích của một cường quốc xuất khẩu gạo lại vừa không để giá lúa gạo trong nước cũng như thế giới xuống quá thấp, không để nông dân bỏ ruộng. Nếu không quyết liệt, mạnh mẽ hoạch định lại chiến lược sản xuất, xuất khẩu gạo thì hạt gạo có thể còn đem lại vị đắng hơn nữa trong tương lai.
Phạm Dương/ Báo NLĐ