Anh Trang Tố Hữu có hơn 30 ha xoài Úc đang thời kỳ thu hoạch được thuê lại từ Cty EMU. Trước kia anh tưới nước cho cây bằng hình thức tưới tràn, tốn nhiều nước và công sức vì phải kéo vòi dài hàng trăm mét, trong khi đó nguồn nước ngày một khan hiếm.
Khi đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt theo hình thức cuốn quanh gốc thì thấy rất hiệu quả. Theo anh Hữu, hệ thống gồm 2 phần chính: Xây hồ trên cao để tạo áp lực khi đưa nước tưới vườn; ống dây tưới đến từng gốc cây.
Nguồn nước được lấy từ suối hay giếng khoan. Anh xây 3 bể nước đặt trên điểm cao, trong đó 1 bể có dung tích 80 m3, 2 bể còn lại, mỗi bể 30 m3. Hệ thống đường ống nhỏ dần, từ đường kính 60 cm, giảm còn 16 cm cho tới gốc xoài.
Ở vị trí gốc, tạo vòng tròn sử dụng dây nhỏ giọt nhỏ (micro dripline) cách gốc 1 m ngày đêm rỉ rả nước nuôi cây. Tổng kinh phí đầu tư toàn hệ thống của gia đình anh khoảng 500 triệu đồng, bình quân 15 triệu đồng/ha (chưa tính kinh phí khoan giếng).
Anh Hữu còn cho biết, mặc dù kinh phí đầu tư ban đầu là khá lớn nhưng hiệu quả mang lại thật “đáng đồng tiền”, nhất là tiết kiệm được chi phí nhân công.
Cụ thể, nếu như trước kia vườn xoài rộng hàng chục ha, mỗi lần tưới cần 8 – 10 công, ròng rã suốt 2 – 2,5 tháng, phải tốn chi phí công lao động 120.000 -150.000 đ/ngày/người.
Áp dụng mô hình tưới tiết kiệm còn có thể đưa phân bón, dinh dưỡng nuôi cây… Cũng nhờ cách tưới mới, sản lượng xoài của trang trại đạt bình quân 5 tấn/ha, bán giá 50.000 đ/kg, trừ chi phí lãi hàng tỷ đồng/năm.
Còn hộ ông Phan Quang Mai, thôn Tân Xương 1, xã Suối Cát (Cam Lâm) cũng áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho 1,2 ha xoài rất hiệu quả.
Ông Mai cho biết, tưới tiết kiệm tránh cỏ dại tranh nước, tranh phân với cây, đồng thời có thể điều chỉnh được độ ẩm thích hợp, hạn chế sâu bệnh bùng phát, cây phát triển tốt, bộ rễ ăn sâu… Việc sử dụng hệ thống đơn giản, người trồng có thể chủ động SX xoài trái vụ.
Ông Mai Xuân Thương, GĐ Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Khánh Hòa cho biết, hiện có nhiều cá nhân, tổ chức tới đơn vị để học hỏi cách thức tưới tiết kiệm nước.
Việc đầu tư hệ thống này không chỉ đảm bảo năng suất cây trồng, mà còn ứng phó trước tình hình khô hạn như hiện nay khi nguồn nước ao hồ, sông suối cạn kiệt.
“Mô hình tưới tiết kiệm rất phù hợp vùng bán sơn địa, vùng miền núi, vùng không được hưởng lợi từ hệ thống tưới tràn. Hiện giá đầu tư toàn bộ hệ thống tưới tiết kiệm cũng hạ thấp so với trước đây khoảng 50 triệu đ/ha (đối với cây lâu năm); còn cây hàng năm thì ít hơn. Tuy chi phí còn cao nhưng hiệu quả mang lại là lâu dài”, ông Thương chia sẻ….
(Sưu tầm)