Riêng việc bán sữa mang lại cho ông Lê Hồng Duyên khoản lợi nhuận gần 130 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể nguồn thu từ kinh doanh máy vắt sữa và cám cho bò.
Ông Lê Hồng Duyên ở thôn Bồng Lai nằm dưới chân đèo Prenn thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) được mệnh danh là “trùm bò sữa”, bởi sở hữu tới 50 con, dù 8 năm trước chỉ có trong tay 2 con giống.
Từng học tập kinh nghiệm ở TP HCM, Ba Vì, Mộc Châu, thậm chí sang Thái Lan tham quan mô hình chăn nuôi, ông Duyên nhận thấy Lâm Đồng mới là nơi tốt nhất để gầy dựng đàn bò sữa. Nơi đây có nguồn thức ăn dồi dào, nhiệt độ thích hợp cho bò sinh sống phát triển nên sản lượng cũng như chất lượng sữa tốt hơn hẳn các địa phương khác. Hiện nay, mỗi con bò sữa ở TP HCM cho ra trung bình 13-15 kg, còn ở Lâm Đồng tới 20 kg sữa.
50 con bò sữa, trong đó có 23 con đang cho sữa mang lại thu nhập trên trăm triệu đồng mỗi tháng cho anh Duyên. Ảnh: Quốc Dũng. |
Thuận lợi lớn nhất ở Lâm Đồng theo ông Duyên là đất đai rộng rãi, nguồn thức ăn phong phú. Để có đủ thức ăn cho 50 bò sữa, ông Duyên trồng 2 ha cỏ voi và 2 ha bắp. Bắp sau khi trồng khoảng 3 tháng được thu hoạch cả cây lẫn trái đem về cho máy chặt thành từng khúc. Toàn bộ nguyên liệu này mang ủ chua với mật đường và muối cho bò ăn dần. Loại thức ăn này làm tăng chất lượng sữa cũng như khả năng cho sữa của bò.
Vùng Đức Trọng, Đơn Dương dưới chân đèo Prenn Đà Lạt là vùng chuyên canh rau màu lớn nhất Lâm Đồng nên phế phẩm nông sản rất dồi dào. Ở những trang trại trồng khoai lang Nhật xuất khẩu thì dây khoai lang là nguồn thức ăn đáng kể cho đàn bò. Những củ không đủ kích cỡ xuất khẩu hay tiêu thụ trên thị trường được các trang trại và công ty bán cho người nuôi bò với giá khá mềm.
Đức Trọng cũng là nơi canh tác cây chanh dây với diện tích rất lớn. Trái chanh dây sau khi các cơ sở, nhà máy nạo lấy cơm ruột thì vỏ của nó dùng làm thức ăn cho bò sữa. Phần lá bên trên của củ cà rốt bị cắt bỏ sau khi thu hoạch hay những chiếc lá bắp cải già cũng trở thành nguồn dinh dưỡng hữu ích cho loại động vật này.
Các phế phẩm như dây khoai lang, những lá bắp cải già… có thể tận dụng làm thức ăn cho bò sữa. Ảnh: Quốc Dũng. |
Nghề chăn nuôi bò sữa phát triển còn kéo theo những hộ gia đình khác khá lên, ví dụ như canh tác bắp. Cứ 1.000 m2 bắp có thể bán cho người nuôi bò 3,5-6 triệu đồng (cả cây lẫn trái), tức trung bình khoảng 50 triệu đồng trên mỗi ha mà người trồng không tốn công dọn cây.
Ông Duyên có 50 bò, trong đó 23 con đang khai thác sữa với sản lượng trung bình 450 kg mỗi ngày. Với giá sữa hiện nay 14.500-15.000 đồng một kg, trừ chi phí cám, thức ăn tươi và nhân công, mỗi tháng, một con bò sữa cho lãi trên 6 triệu đồng. Như vậy thu nhập từ 23 con bò sữa của ông Duyên mang lại mỗi tháng không dưới 150 triệu đồng. Nghề này cho thu nhập cao nhưng đòi hỏi người nuôi phải có vốn, bởi chỉ một con giống đã 70-80 triệu đồng, chưa kể chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng 2-3 năm mới có thể cho sữa. Mỗi con bò có thể cho sữa xuyên suốt trong 10 năm.
Theo ông Duyên, người nuôi bò sữa hai năm nay thuận lợi nhờ giá sữa tăng khá trong khi giá bột cám cho bò ăn biến động không đáng kể. Không chỉ sữa bán được giá mà con giống cũng được thu mua với giá rất cao. “Nếu mua con giống từ nơi khác về thì giá rẻ hơn nhưng chúng lại cho sản lượng sữa thấp hơn những con sinh trưởng tại chỗ”, ông chia sẻ.
Tại trang trại có 3 nhân công thường trực lo các khâu như lấy sữa, cho bò ăn và tắm rửa cho bò, vệ sinh chuồng trại. Nguồn thức ăn được chở về chuồng từ 2 chiếc xe tải và 3 chiếc máy cày. Đây cũng là phương tiện mà ông giao bột cám cho các hộ chăn nuôi khác. Hiện ông Duyên mở 2 điểm chuyên thu mua sữa tươi cho một doanh nghiệp kinh doanh sữa có tiếng tăm, mỗi ngày thu mua của trên 40 hộ với số lượng trên 7 tấn.
Ông Duyên cho biết, thu nhập từ công việc này rất ổn định vì trên nguyên tắc công ty mua trực tiếp sữa với nông dân, điểm thu mua được công ty trích phần trăm trên số lượng sữa mua được mỗi tháng. Ngoài ra, đại lý cung cấp cám cho bò của gia đình ông Duyên hàng tháng cũng bán ra thị trường vài trăm tấn. Ông còn cung cấp máy vắt sữa và các thiết bị đi kèm cho bà con chăn nuôi trong vùng.
Quốc Dũng