Có từ 140.000 đến 160.000 ha cà phê ở vùng Tây Nguyên, nơi đang chiếm 95% diện tích cà phê của cả nước cần được thay thế, chuyển đổi vì đã già cỗi.
Những năm qua cũng như hiện nay, việc tái canh cà phê ở Tây Nguyên triển khai ì ạch, nhiều vườn cà phê vẫn kéo dài tình trạng già cỗi.
Ở những vườn cà phê tại huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng, cứ 1.000 m2 cà phê, mỗi lần tưới nước, chi phí không dưới 200.000 đồng.
Không ít người bỏ mặc cho cà phê trong nắng hạn vì không còn tiền đầu tư. Nhưng, trồng cà phê thì không chỉ tưới nước mà còn phải có giống, phân bón, công lao động. Tất cả đổ dồn khiến cho niên vụ cà phê vừa rồi, giá bán 17.000 đồng/kg cà phê khô, nông dân không có lãi, bởi chi phí làm ra 1 kg cà phê đã là 15-16.000 đồng.
Nhiều năm qua, sản xuất cà phê không có lãi khiến cho người trồng cà phê không tích lũy được vốn. Mà không có vốn thì không thể chặt bỏ vườn cà phê già cỗi để trồng mới.
Vốn đầu tư trồng mới 1 ha cà phê lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều nông dân đưa ra giả sử nếu có đủ vốn tái canh cà phê thì đâu sẽ là nguồn sống cho cả gia đình trong thời gian từ lúc tái canh đến khi cà phê cho trái? Nói cách khác, sinh kế của người trồng cà phê sẽ bị gián đoạn nếu tái canh cà phê.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tổng số hơn 600.000 ha cà phê của cả nước thì có 86.000 ha hơn 20 năm tuổi, 140.000 ha từ 15-20 năm tuổi. Trong 5-10 năm tới, cần phải tái canh từ 140.000-160.000 ha cà phê già cỗi. Vậy, đâu sẽ là nguồn vốn để giúp nông dân tái canh cây cà phê?
Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước chậm chễ trong cam kết tái cấp vốn cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng gói tín dụng 12.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình tái canh cà phê và lãi suất cao trên 10%/năm là lý do khiến người người trồng cà phê không mặn mà với nguồn vốn này. Đó là chưa nói đến điều mà nhiều nông dân phản ánh là cần đơn giản thủ tục để tiếp cận vốn vay.
Theo ý kiến của nhiều người trồng cà phê, vấn đề mấu chốt vẫn là khả năng tiếp cận nguồn vốn. Hơn nữa, liệu nông dân có mạnh dạn tái canh cà phê khi chưa biết sau tái canh, hiệu quả mang lại có giúp họ đủ số tiền để trả lãi vay?
Sự bấp bênh thị trường cà phê như đè nặng tâm lý người trồng cà phê khi có ý định tái canh cà phê. Vậy là không ít người trồng cà phê đành chấp nhận kéo dài những vườn cà phê già cỗi, kém năng suất, nghĩa là chấp nhận kéo dài sản xuất cà phê không có lãi.