Thực hiện chương trình “Tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) theo Nghị quyết số 26 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, huyện Đức Trọng đang xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại.
Huyện Đức Trọng nằm ở phía bắc của tỉnh Lâm Đồng có diện tích tự nhiên là hơn 90 ngàn ha với dân số hơn 171 ngàn nhân khẩu. Trong đó, tổng diện tích đất bố trí sản xuất nông nghiệp là gần 35 ngàn ha. Điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thực hiện chương trình “Tam nông”, huyện Đức Trọng đang phát huy lợi thế của mình để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.
Từ năm 2008 đến nay, cơ cấu cây trồng nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế thị trường. Những giống cây trồng quen thuộc lâu nay như bắp, đậu công nghiệp, lúa một vụ hiệu quả không cao nên đang dần nhường chỗ cho các loại cây rau, hoa, cà phê và cây ăn trái. Cụ thể, trong 5 năm qua, huyện Đức Trọng đã chuyển được hơn 1,3 ngàn ha đất trồng lúa một vụ sang các giống rau, hoa để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn cũng không ngừng gia tăng cả diện tịch lẫn quy mô. Hiện nay, huyện Đức Trọng có hơn 2 ngàn ha sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tăng hơn 1,6 ngàn so với năm 2008. Trong đó, diện tích nhà kính nhà lưới là hơn 150ha, diện tích tưới phun mưa ngoài trời là hơn 1,2 ngàn ha và diện tích phủ màng polimer ngoài trời là hơn 750ha. Người nông dân Đức Trọng cũng đang từng bước áp dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp để thay thế nhân công lao động. Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất của người dân nơi đây đạt 100%; trong khâu bón phân, chăm sóc, thu hoạch đạt 50%. Nhìn chung, thời gian qua, việc áp dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đã giúp cho người dân Đức Trọng có thu nhập cao trên đồng ruộng của mình. Hiện nay, bình quân giá trị sản xuất của nông dân Đức Trọng đạt trên 110 triệu đồng/1ha mỗi năm, đặc biệt có những mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà kính đạt khoảng 500-800 triệu đồng/ha/năm. Các vùng sản xuất rau, hoa công nghệ cao cũng đang được chính quyền huyện Đức Trọng chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quy hoạch để người dân thực hiện hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Phạm Hồng Hải – Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Trọng cho biết: “Đức Trọng là một địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu thí điểm một số giống cây trồng mới để người dân áp dụng sản xuất nâng cao thu nhập. Thực hiện chương trình “Tam nông” thời gian qua, nền nông nghiệp của huyện Đức Trọng đã có những bước phát triển đáng kể”.
Để người nông dân có đầu ra ổn định, yên tâm sản xuất, chính quyền huyện Đức Trọng cũng đã thường xuyên quan tâm công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Trên địa bàn Đức Trọng hiện có trên 60 đại lý, điểm thu mua nông sản và mỗi ngày thu mua của nông dân khoảng hơn 1 ngàn tấn rau, hoa các loại. Các doanh nghiệp chế biến rau, hoa trên địa bàn có năng lực chế biến hơn 30 ngàn tấn rau nguyên liệu mỗi năm để sản xuất ra khoảng 10 ngàn tấn rau thành phẩm xuất khẩu. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đã hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng thương hiệu rau Đà Lạt trong sản xuất và tiêu thụ để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, trên địa bàn huyện Đức Trọng có hơn 80 ha sản xuất rau của 15 đơn vị được công nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, từ đó tạo được uy tín chất lượng của nông sản địa phương trên thị trường trong và ngoài nước. Người dân Đức Trọng cũng đang từng bước áp dụng quy trình sản xuất VietGAP để có nguồn sản phẩm sạch, đảm bảo tiêu chuẩn cung cấp cho thị trường.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện Đức Trọng đang tập trung chỉ đạo phát triển đàn gia súc, gia cầm, trong đó chú trọng phát triển mạnh đàn bò sữa và đàn heo. Đây là hai giống vật nuôi có lợi thế ở địa phương vì nguồn thức ăn dồi dào, điều kiện khí hậu thuận lợi để phát triển.
Như vậy, sau 5 năm thực hiện chương trình “Tam nông”, nền nông nghiệp của Đức Trọng đã có những bước phát triển vượt bậc toàn diện theo hướng hiện đại. Người nông dân đã có công ăn việc làm ổn định và đang vươn lên làm giàu chính trên đồng ruộng của mình. Đức Trọng hiện là một trong những địa phương trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Cùng với việc thực hiện chương trình “Tam nông” hy vọng với những lợi thế của mình Đức Trọng sớm đạt được một nền nông nghiệp bền vững, toàn diện và hiện đại.
DUY NGUYỄN