Ngày 16-11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị chuyên đề tưới tiết kiệm nước, nhằm đánh giá tình hình, những kết quả đạt được, đề ra các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc và kế hoạch nhân rộng mô hình, nâng cao hiệu quả sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có 24 mô hình sản xuất áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm với tổng diện tích hơn 7.000 ha. Tùy theo vùng sản xuất, nông dân áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm khác nhau. Tại huyện Ninh Phước, qua ba năm (2010-2012) triển khai mô hình “một phải năm giảm” trong thâm canh cây lúa, nông dân sản xuất ban đầu 20 ha, áp dụng phương pháp dùng ống chia vạch (phương pháp tưới ướt khô xen kẽ), đến nay, mỗi năm, mô hình nhân rộng lên hàng nghìn ha. Trong năm 2016, nhân rộng hơn 6.100 ha với gần 12.000 hộ nông dân tham gia. Tại các vùng trồng các loại rau ăn lá, măng tây, đậu phộng, ớt, cà chua, dưa leo… ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, năm 2006, nông dân bắt đầu áp dụng công nghệ tưới phun mưa để sản xuất thử nghiệm 2 sào (2.000m2), đến nay, mô hình được nhân rộng lên 348 ha trên địa bàn toàn tỉnh. Nông dân Hùng Ky ở thôn Tuấn Tú, bộc bạch: “Gia đình tui (tôi) có 2,4 ha đất sản xuất, trước kia đào hai cái giếng, mỗi cái rộng 4 m, sâu 9m, nhưng nước không đủ tưới, vào mùa hạn, phải bỏ đất trống. Từ năm 2010 đến nay, được dự án IDE Việt Nam về công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa hỗ trợ, gia đình đã chỉ bỏ ra 90 triệu đồng, lắp đặt toàn bộ hệ thống ống dẫn, van phun… nhờ đó, giảm lượng nước tưới từ 40- 50% trên toàn diện tích so với trước, năng suất lại cao hơn”. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận Phan Quang Thựu cho hay, hiện nay, nhiều vùng trồng mía, nho ở các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Thuận Bắc đều triểnkhai mô hình tưới tiết kiệm và đạt hiệu quả cao trong sản xuất. Tại huyện Ninh Sơn, thông qua sự hỗ trợ của Công ty CP đường Biên Hòa – Phan Rang, trong ba năm qua, nông dân áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới phun cho 200 ha mía, không còn bị động nước tưới vào mùa khô hạn, chân đất dưới gốc mía luôn giữ độ ẩm tốt, cây mía vẫn cho năng suất cao. Tại nhiều vùng trồng nho, táo, xoài, mãng cầu… trên địa bàn tỉnh, nhờ áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt tận gốc, tưới phun mưa tầm thấp, đã tiết kiệm từ 40-60% lượng nước tưới, giảm 30% công lao động, tiết kiệm 30% lượng phân bón, giảm gần 4% chi phí đầu tư, nhưng lợi nhuận thì tăng từ 9-11% so với phương pháp tưới truyền thống (tưới thả tràn). Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh và IDE Việt Nam đã có nhiều ký kết triển khai các dự án tưới tiết kiệm tại 40/65 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, đến nay, đã có 2.351 hộ lắp đặt, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước sản xuất cho gần 800 ha với tổng kinh phí đầu tư hơn 21 tỷ đồng. Kết quả, tại các vùng nắng hạn, nông dân vẫn sản xuất ổn định các loại cây màu ngắn ngày, năng suất và giá trị kinh tế cao. Hiện tượng hàng trăm ha đất phải thường xuyên bỏ hoang vào mùa hạn ở những nơi này không còn nhiều như trước nữa. Nông dân Nguyễn Khắc Phòng ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, cho biết, đất sản xuất ở đây chủ yếu là đất cát ven biển, từ đầu năm 2011 đến nay, nhờ áp dụng phương pháp tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, nên hầu hết diện tích trồng ớt, tỏi, nho, hành… không bị chết khô vào mùa hạn vừa qua. Đến nay, tại địa phương đã có 500 hộ đầu tư lắp đặt công nghệ này và sản xuất ổn định. Qua thực tế, cho thấy Ninh Thuận đang triển khai có hiệu quả việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất. Do đó, nhân rộng mô hình là nhu cầu cấp bách. Tuy nhiên, vẫn còn một số băn khoăn khác, Ninh Thuận là tỉnh có lượng mưa trung bình thấp nhất cả nước (700-770mm từ tháng 9-11 hàng năm); trong khi đó, lượng bốc hơi hàng năm cao gấp 2,5 lần lượng mưa; phần lớn mạch nước tại các giếng đào, giếng khoan là mạch ngang, nên tích nước ít; địa phương chưa có chế tài việc sử dụng nguồn nước. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh nhỏ và thiếu liên kết, nên vào mùa mưa thì hầu như nhiều hồ phải xả lũ, nên việc tích nước không nhiều thường xuyên xảy ra, dẫn đến hệ quả là sau hai tháng mưa lũ trong năm, mười tháng còn lại nông dân luôn canh cánh nỗi lo thiếu nước sản xuất, do đó mà sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh chưa đạt được tính bền vững như mong muốn. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nguyễn Tin cho biết, ngoài việc đầu tư công trình thủy lợi, cần có chính sách hỗ trợ giúp nông dân lắp đặt các công nghệ tưới tiết kiệm nước để chuyển đổi cây trồng phù hợp thì kết quả ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ tốt hơn. Từ nay đến năm 2020, Ninh Thuận tiếp tục nhân rộng mô hình này lên 14.700 ha (mỗi năm nhân rộng 45 mô hình) với tổng kinh phí hơn 141 tỉ đồng, trong đó vốn do nhân dân đóng góp là 100 tỉ đồng, còn lại là vốn ngân sách nhà nước. Điều này cho thấy, nông dân đã quan tâm việc sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Vấn đề đang vướng mắc mà tỉnh cầm sớm tháo gỡ, đó là nhanh chóng xây dựng đề án tưới tiết kiệm với những chính sách khuyến khích, ưu đãi để nông dân có điều kiện vay vốn từ các ngân hàng đầu tư kinh phí lắp đặt công nghệ. Mặt khác, các cấp, các ngành ở địa phương cần tăng cường phối hợp các viện, trường, cơ quan nghiên cứu trong việc xây dựng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, chi phí đầu tư thấp và dễ ứng dụng, phù hợp trình độ của nông dân. Có như vậy, việc nhân rộng mô hình tại Ninh Thuận sẽ đạt kết quả cao hơn kế hoạch đề ra. |
NGUYỄN TRUNG |