Bình Thuận là vùng đất có chế độ mưa phân bố không đều, “nắng nhiều mưa ít”, nhiệt độ cao quanh năm, độ ẩm không khí thấp đã và đang gây nhiều khó khăn SX nông nghiệp.
Báo cáo quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2020 cho thấy, nhu cầu nước trong tỉnh là 1,084 tỷ m3. Trong đó nước cho nông nghiệp chiếm 90,79%. Tuy là vùng thiếu nước, khô hạn và nắng nóng nhất nước ta nhưng thiên nhiên lại ưu đãi cho vùng đất này điều kiện thích hợp để trồng và phát triển cây thanh long.
Bình Thuận có diện tích trồng thanh long lớn nhất lớn với khoảng 20.000 ha, sản phẩm cây trồng đã xuất khẩu sang hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hồng Kông, Anh, Hà Lan… Cây thanh long đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, góp phần không nhỏ nâng cao đời sống người dân, thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, nên được xác định là cây trồng thế mạnh của tỉnh.
Mô hình tưới phun mưa cho cây thanh long được người dân Bình Thuận quan tâm
Tuy nhiên, điều lo ngại là hầu hết nguồn nước trữ tại các hồ chứa là do mưa, phụ thuộc vào thiên nhiên, lúc đầy lúc thiếu hụt. Nguồn nước ngầm được khuyến cáo hạn chế khai thác. Trong khi đó người dân vẫn tưới thủ công cho cây thanh long theo phương pháp tưới phun cầm tay. Cách tưới này thường làm cho đất bị bão hòa nước, tạo ra dòng chảy mặt dẫn đến đất bị rửa trôi các chất màu mỡ hoặc hóa lầy sau khi tưới. Như vậy việc sử dụng nước bị tiêu hao gây bất lợi cho SX.
Theo kết quả điều tra lượng nước tưới cho cây thanh long của các hộ dân, bình quân cho một vụ nếu tưới nước theo phương pháp thủ công thì tốn khoảng 4.000 – 4.500 m3 /ha/vụ. Tuy nhiên theo ông Trần Minh Tuấn, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu Thủy nông và cấp nước (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam), khi áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước bằng giải pháp tưới phun mưa cho cây thanh long thì lượng nước tưới bình quân chỉ từ 2.000 – 2.500 m3/ha/vụ giảm từ 40 – 50% so với giải pháp tưới thủ công.
Ông Tuấn còn cho biết thêm, về cấu tạo hệ thống tưới phun mưa gồm các bộ phận chính máy bơm dùng hút nước từ hồ, ao, sông suối hoặc bể chứa hay giếng đào. Máy bơm thường dùng là máy ly tâm có lưu lượng nhỏ và áp lực bơm từ thấp đến trung bình; Đường ống gồm các loại: Ống chính, ống nhánh các cấp, ống tưới. Đường ống chính nối các đường ống nhánh với công trình đầu mối. Đường ống tưới nối với đường ống nhánh cấp cuối cùng.
Tưới phun mưa là phương pháp tưới cung cấp nước cho cây trồng từ 1 hệ thống đường ống thông qua các thiết bị tưới và chỉ làm ướt vùng đất thuộc phạm vi bộ rễ của cây trồng hoạt động. Nhờ kết cấu đơn giản và vận hành tiện lợi nên tưới phun mưa có thể điều khiển linh hoạt với nhu cầu sử dụng nước của cây thanh long theo các giai đoạn sinh trưởng đảm bảo độ ẩm luôn nằm trong khoảng tối ưu. |
Các thiết bị xử lý và điều khiển gồm van kiểm tra dùng điều chỉnh áp lực bảo vệ an toàn cho đường ống, van điều chỉnh áp lực và lưu lượng trên hệ thống, thùng chứa để hoà tan phân bón và vòi phun mua. Chi phí đầu tư cho 1 hệ thống tưới phun mưa dao động từ 20 – 30 triệu đ/ha, tuổi thọ của hệ thống tưới trên 10 năm tùy thuộc vào việc bảo quản và thiết bị tưới ứng dụng
“Mặc dù giá thành đầu tư ban đầu của hệ thống tưới phun mưa còn cao so với điều kiện kinh tế của người dân. Tuy nhiên, những hiệu quả của hệ thống này mang lại rất lớn như giảm công tưới nước, bón phân và đặc biệt là giảm lượng nước tưới đối với vùng có nguồn nước hạn chế. Do vậy hiệu quả đầu tư sẽ hoàn vốn trong khoảng 5 năm sử dụng”, ông Tuấn nói.
Ông Trần Ngọc Xuân, xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình cho biết: Nhờ sử dụng hệ thống tưới phun mưa cho cây thanh long mà gia đình tôi kiểm soát được lượng nước mà không cần có người can thiệp. Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, hệ thống này đã tưới được khoảng 2 ha thanh long của gia đình tôi đảm bảo nước tưới đúng thời điểm thích hợp, mà còn giúp cây quang hợp tốt nhất”.