QĐND – Không chỉ phát triển nhanh nhất thế giới, với sản lượng hơn 1,5 triệu tấn/năm, tức 2,3-2,5 tấn/ha/năm, cà phê Việt Nam có năng suất gấp 3 lần năng suất bình quân của thế giới… Cây cà phê đã trở thành một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế ở khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, xung quanh nó cũng còn những hệ lụy.
Chúng tôi đã có cuộc đối thoại với TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên, xung quanh câu chuyện cây cà phê ở Tây Nguyên.
Phóng viên (PV): Cây cà phê đã thực sự trở thành cây “xóa đói giảm nghèo” ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc phát triển quá nhanh diện tích trồng cà phê đã gây ra những hệ lụy. Trong đó, đặc biệt là việc trở thành một trong những tác nhân gây nên tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô ở Tây Nguyên, thưa ông?
TS Lê Ngọc Báu: Ngành cà phê chịu oan cũng nhiều! Thiếu nước, người ta đổ cho cà phê. Phá rừng, người ta cũng đổ cho cà phê. Nhưng theo tôi, ở Tây Nguyên, nếu không có 550.000ha cà phê này thì bộ mặt chắc không được như hiện nay. 550.000ha cà phê tạo ra gần 1 triệu việc làm cho người Tây Nguyên, trong khi dân số Tây Nguyên hơn 5 triệu người.
Thứ hai, mình cứ kêu thiếu nước tưới, tại sao Nhà nước không đầu tư cho thủy lợi để phát triển cây cà phê một cách bền vững. Trong khi, nhu cầu nước tưới của cây cà phê không cao, chưa bằng 20% so với lúa nước. Cây cà phê mỗi năm cần tưới khoảng 2000m3/ha, tương đương với lượng mưa 200ml trong một năm. Trong khi lượng mưa ở Tây Nguyên bình quân 1.800-2000ml/năm. Nếu có hồ, đập giữ lại chỉ cần 10% lượng nước mưa đó thì đã bảo đảm được nước tưới cho cây cà phê. Hiện ở Tây Nguyên, mình đang đầu tư cho thủy điện nhiều, trong khi thủy lợi còn hạn chế.
PV: Ngoài vấn đề nước tưới, sự phát triển ồ ạt cây cà phê đang phá vỡ quy hoạch đã được phê duyệt. Hơn nữa, dù thu được sản lượng cao, nhưng chất lượng của cà phê Việt Nam vẫn thấp. Thưa ông, vì sao?
TS Lê Ngọc Báu: Quy hoạch đang gây ra một số vấn đề. Thứ nhất, nông dân trồng cây cà phê ở những vùng đất không phù hợp như xa nguồn nước. Thứ hai, trong thập niên 1990, mình phát triển hơn 400.000ha cà phê, lúc đó chưa có những giống mới, chủ yếu do nông dân tự chọn lọc. Họ cứ thấy cây nào năng suất cao là trồng, lại không đúng quy trình kỹ thuật. Thành thử, hiện nay hơn 80% diện tích cà phê có giống không tốt. Đi sâu vào chi tiết, cây cà phê vốn là cây thụ phấn chéo bắt buộc, nghĩa là nó phải nhận phấn của cây khác mà nông dân không biết cái đó, cứ lấy cây nào năng suất cao hái quả làm giống. Như thế, nông dân chỉ chọn được cây mẹ tốt còn phấn của cây bố thì họ không biết.
Thứ nữa, do tình hình an ninh chưa bảo đảm, nông dân có tâm lý muốn thu hoạch cùng lúc, quả chín, quả xanh đều đem về nhà cho chắc ăn, “xanh nhà hơn già đồng”. Cây cà phê, hay bất kỳ cây gì mà quả chưa chín thì không thể có chất lượng cao. Cái đó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Mặt khác, tập quán thu hoạch ồ ạt gây nên tình trạng thiếu lao động. Trước đây, mùa thu hoạch, người làm thuê ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên… lên đây nhiều nhưng giờ dưới đó đã phát triển kinh tế, họ ít lên. Thiếu lao động cũng là nguyên nhân của việc hái xanh. Ví dụ hái chín, hái được 1 tạ/ngày công. Hái xanh được 2 tạ/công. Trong khi giá nhân công bình thường 120.000 đồng/công, đến mua thu hoạch lên tới 150.000 đồng rồi còn phải lo ăn, lo ở…
Thứ nữa, theo chính sách thu mua cà phê hiện nay, bất kể xanh chín cứ phơi khô là bán giá cơ bản như nhau. Trong khi, hái chín chi phí nhiều hơn 70-80%. Chế độ thu mua hiện nay không khuyến khích người nông dân thu hoạch quả chín hoặc tạo ra sản phẩm có chất lượng cao.
Việc thu hái quả xanh không phải là vấn đề kỹ thuật. Nông dân biết, nhà khoa học đã nghiên cứu, chính quyền biết nhưng mấy thập kỷ nay vẫn không thay đổi. Không những thế, ngày càng có xu thế thu hoạch quả xanh nhiều hơn.
Thu hoạch quả xanh mang tới một số hệ lụy. Thứ nhất, nếu thu theo tiến độ quả chín, sẽ có đủ sân phơi. Nếu thu một lần, sẽ không ai có đủ sân phơi. Thế là, phải phơi dày, hoặc cứ để trong bao cho mục bớt vỏ đi, rồi đem phơi cho nhanh. Như thế làm sao có chất lượng cao.
Một thương hiệu mạnh chỉ phát triển và tồn tại trên cơ sở chất lượng cao. Anh có chất lượng cao chưa chắc đã có thương hiệu mạnh. Nhưng không có chất lượng cao thì sẽ không thể có thương hiệu mạnh. Cốt lõi vấn đề là, nông dân phơi dày, thiếu sân phơi, chất lượng không thể cao. Hơn nữa, năm nào, mùa thu hoạch, thời tiết khô, chất lượng còn tốt. Năm nào cuối tháng 11, tháng 12 bão mấy trận, mưa dầm dề chắc chắn chất lượng sẽ thấp. Thu hoạch phải phụ thuộc vào thời tiết thì chất lượng sẽ không ổn định.
PV: Trong thời gian gần đây, vấn đề tái canh cây cà phê đang rất được quan tâm. Bởi đó là một phần quan trọng của tương lai cây cà phê Việt Nam. Là người trực tiếp nghiên cứu, sản xuất cà phê, theo ông, vấn đề đã đến mức cấp thiết?
TS Lê Ngọc Báu: Một vấn đề bây giờ đang đặt ra, tuy chưa thật gay gắt, nhưng 5-7 năm nữa sẽ thành vấn đề rất lớn, nếu bây giờ không giải quyết. Đó là những diện tích cà phê trồng từ năm 1990 đến nay đã là 23 năm. Trồng năm 1993 đã là 20 năm. Trồng năm 2000 giờ cũng đã là 13 năm. Đời sống cây cà phê có thể kéo dài hàng trăm năm, nhưng giai đoạn sung sức nhất chỉ từ năm thứ 5 đến năm thứ 15. Trên 25 năm cây cà phê sẽ già cỗi, năng suất thấp, sức đề kháng thấp, sâu bệnh sẽ phát triển. Tuổi thọ cây cà phê ở ta thấp hơn thế giới vì được đầu tư thâm canh, tăng năng suất cao quá.
Tới năm 2020, rất nhiều diện tích cà phê có tuổi thọ tới 20-30 năm. Nếu giờ không có kế hoạch tái canh thì rất đáng báo động. Đã có nhiều hội thảo, báo chí lên tiếng về vấn đề này nhưng vẫn chưa có chính sách cụ thể. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có hành động như Ban hành quy trình hướng dẫn kỹ thuật tái canh cà phê, nhưng chưa đủ. Quy trình chỉ mang tính chất hướng dẫn, không bắt buộc, người ta muốn theo thì theo, không theo thì thôi.
PV: Theo ông, cần làm gì để chương trình tái canh cây cà phê đạt hiệu quả cao?
TS Lê Ngọc Báu: Theo tôi, nên tập trung hỗ trợ tập huấn, đào tạo, tuyên truyền để cho nông dân biết quy trình đúng. Thứ hai, hỗ trợ những giống tốt nhất cho nông dân. Theo tính toán, chi phí 1ha tái canh mất khoảng 120 triệu đồng trong 3 năm. Trong khi, nếu hỗ trợ cây giống chỉ mất khoảng 3 triệu đồng, mà nông dân lại có được giống tốt. Thêm nữa, nên tạo điều kiện cho nông dân vay vốn ưu đãi, dài hạn. Theo tôi, nông dân tái canh cây cà phê rất dễ vay vốn vì họ đã có vườn cây, có nhà cửa, coi như một tài sản thế chấp rất bảo đảm.
PV: Cảm ơn ông!
HUY QUÂN – VĂN HẠNH (thực hiện)