Ngày 16-11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị chuyên đề tưới tiết kiệm nước, nhằm đánh giá tình hình, những kết quả đạt được, đề ra các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc và kế hoạch nhân rộng mô hình, nâng cao hiệu quả sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có 24 mô hình sản xuất áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm với tổng diện tích hơn 7.000 ha. Tùy theo vùng sản xuất, nông dân áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm khác nhau. Tại huyện Ninh Phước, qua ba năm (2010-2012) triển khai mô hình “một phải năm giảm” trong thâm canh cây lúa, nông dân sản xuất ban đầu 20 ha, áp dụng phương pháp dùng ống chia vạch (phương pháp tưới ướt khô xen kẽ), đến nay, mỗi năm, mô hình nhân rộng lên hàng nghìn ha. Trong năm 2016, nhân rộng hơn 6.100 ha với gần 12.000 hộ nông dân tham gia. Tại các vùng trồng các loại rau ăn lá, măng tây, đậu phộng, ớt, cà chua, dưa leo… ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, năm 2006, nông dân bắt đầu áp dụng công nghệ tưới phun mưa để sản xuất thử nghiệm 2 sào (2.000m2), đến nay, mô hình được nhân rộng lên 348 ha trên địa bàn toàn tỉnh. Nông dân Hùng Ky ở thôn Tuấn Tú, bộc bạch: “Gia đình tui (tôi) có 2,4 ha đất sản xuất, trước kia đào hai cái giếng, mỗi cái rộng 4 m, sâu 9m, nhưng nước không đủ tưới, vào mùa hạn, phải bỏ đất trống. Từ năm 2010 đến nay, được dự án IDE Việt Nam về công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa hỗ trợ, gia đình đã chỉ bỏ ra 90 triệu đồng, lắp đặt toàn bộ hệ thống ống dẫn, van phun… nhờ đó, giảm lượng nước tưới từ 40- 50% trên toàn diện tích so với trước, năng suất lại cao hơn”. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận Phan Quang Thựu cho hay, hiện nay, nhiều vùng trồng mía, nho ở các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Thuận Bắc đều triểnkhai mô hình tưới tiết kiệm và đạt hiệu quả cao trong sản xuất. Tại huyện Ninh Sơn, thông qua sự hỗ trợ của Công ty CP đường Biên Hòa – Phan Rang, trong ba năm qua, nông dân áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới phun cho 200 ha mía, không còn bị động nước tưới vào mùa khô hạn, chân đất dưới gốc mía luôn giữ độ ẩm tốt, cây mía vẫn cho năng suất cao. Tại nhiều vùng trồng nho, táo, xoài, mãng cầu… trên địa bàn tỉnh, nhờ áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt tận gốc, tưới phun mưa tầm thấp, đã tiết kiệm từ 40-60% lượng nước tưới, giảm 30% công lao động, tiết kiệm 30% lượng phân bón, giảm gần 4% chi phí đầu tư, nhưng lợi nhuận thì tăng từ 9-11% so với phương pháp tưới truyền thống (tưới thả tràn). Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh và IDE Việt Nam đã có nhiều ký kết triển khai các dự án tưới tiết kiệm tại 40/65 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, đến nay, đã có 2.351 hộ lắp đặt, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước sản xuất cho gần 800 ha với tổng kinh phí đầu tư hơn 21 tỷ đồng. Kết quả, tại các vùng nắng hạn, nông dân vẫn sản xuất ổn định các loại cây màu ngắn ngày, năng suất và giá trị kinh tế cao. Hiện tượng hàng trăm ha đất phải thường xuyên bỏ hoang vào mùa hạn ở những nơi này không còn nhiều như trước nữa. Nông dân Nguyễn Khắc Phòng ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, cho biết, đất sản xuất ở đây chủ yếu là đất cát ven biển, từ đầu năm 2011 đến nay, nhờ áp dụng phương pháp tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, nên hầu hết diện tích trồng ớt, tỏi, nho, hành… không bị chết khô vào mùa hạn vừa qua. Đến nay, tại địa phương đã có 500 hộ đầu tư lắp đặt công nghệ này và sản xuất ổn định. Qua thực tế, cho thấy Ninh Thuận đang triển khai có hiệu quả việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất. Do đó, nhân rộng mô hình là nhu cầu cấp bách. Tuy nhiên, vẫn còn một số băn khoăn khác, Ninh Thuận là tỉnh có lượng mưa trung bình thấp nhất cả nước (700-770mm từ tháng 9-11 hàng năm); trong khi đó, lượng bốc hơi hàng năm cao gấp 2,5 lần lượng mưa; phần lớn mạch nước tại các giếng đào, giếng khoan là mạch ngang, nên tích nước ít; địa phương chưa có chế tài việc sử dụng nguồn nước. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh nhỏ và thiếu liên kết, nên vào mùa mưa thì hầu như nhiều hồ phải xả lũ, nên việc tích nước không nhiều thường xuyên xảy ra, dẫn đến hệ quả là sau hai tháng mưa lũ trong năm, mười tháng còn lại nông dân luôn canh cánh nỗi lo thiếu nước sản xuất, do đó mà sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh chưa đạt được tính bền vững như mong muốn. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nguyễn Tin cho biết, ngoài việc đầu tư công trình thủy lợi, cần có chính sách hỗ trợ giúp nông dân lắp đặt các công nghệ tưới tiết kiệm nước để chuyển đổi cây trồng phù hợp thì kết quả ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ tốt hơn. Từ nay đến năm 2020, Ninh Thuận tiếp tục nhân rộng mô hình này lên 14.700 ha (mỗi năm nhân rộng 45 mô hình) với tổng kinh phí hơn 141 tỉ đồng, trong đó vốn do nhân dân đóng góp là 100 tỉ đồng, còn lại là vốn ngân sách nhà nước. Điều này cho thấy, nông dân đã quan tâm việc sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Vấn đề đang vướng mắc mà tỉnh cầm sớm tháo gỡ, đó là nhanh chóng xây dựng đề án tưới tiết kiệm với những chính sách khuyến khích, ưu đãi để nông dân có điều kiện vay vốn từ các ngân hàng đầu tư kinh phí lắp đặt công nghệ. Mặt khác, các cấp, các ngành ở địa phương cần tăng cường phối hợp các viện, trường, cơ quan nghiên cứu trong việc xây dựng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, chi phí đầu tư thấp và dễ ứng dụng, phù hợp trình độ của nông dân. Có như vậy, việc nhân rộng mô hình tại Ninh Thuận sẽ đạt kết quả cao hơn kế hoạch đề ra. |
NGUYỄN TRUNG |
Theo thống kê, hiện tại vùng trung du, Miền núi phía Bắc mới có 11/15 tỉnh đã và đang triển khai, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến (công nghệ tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt).
Với địa hình đặc thù chủ yếu là đất dốc, thủy lợi ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc (MNPB) có thể tạo nên sự đột phá, đáp ứng tốt yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Để xóa bỏ hình ảnh của một nền nông nghiệp manh mún, phân tán và hiệu quả thấp, 15 tỉnh trung du, MNPB đang mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành những vùng nông sản hàng hóa, giá trị cao và hiệu quả bền vững. Muốn thành công, trước nhất phải hiện đại hóa hệ thống thủy lợi.
Tuy nhiên, theo rà soát của Viện Khoa học thủy lợi (Bộ NN-PTNT), quy hoạch thủy lợi khu vực MNPB chủ yếu phục vụ các vùng sản xuất lúa tập trung mà chưa chú trọng cho những vùng cây công nghiệp thế mạnh có giá trị cao như chè, các phê, cây ăn trái. Đồng thời, chưa tập trung công trình cho khai thác trên diện đất dốc.
4 tỉnh chưa áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm
Theo thống kê, hiện tại vùng trung du, MNPB mới có 11/15 tỉnh đã và đang triển khai, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến (công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt). 4 tỉnh gồm Điện Biên, Lai Châu, Lạng Sơn, Bắc Kạn chưa áp dụng công nghệ tưới này.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, toàn vùng trung du, MNPB mới chỉ có 30 mô hình có quy mô từ 1 đến hàng trăm ha do các tổ chức nước ngoài, các doanh nghiệp, các mô hình thử nghiệm do Bộ NN-PTNT, Bộ KHCN… đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, có đến hàng chục dự án quy mô nhỏ từ 0,2ha đến 2ha do người dân tự đầu tư xây dựng cho cây cam Cao Phong (Hòa Bình) với tổng diện tích khoảng trên 100ha. Tổng diện tích được tưới tiết kiệm của vùng là 1.159,3ha cây trồng cạn, chủ yếu là cây rau màu, hoa, dược liệu, cây ăn quả (cam, chuối), cây công nghiệp dài ngày (chè, cà phê). Diện tích tưới tiết kiệm được tập trung nhiều nhất là Lào Cai (400ha), Phú Thọ (282ha) và Hà Giang (254ha).
Còn lại, ở các tỉnh như Bắc Giang, Cao Bằng, Yên Bái và Quảng Ninh, các mô hình được áp dụng chủ yếu mang tính chất mô hình trình diễn, mô hình thử nghiệm. Quy mô tưới tiết kiệm chủ yếu từ một vài đến vài chục ha. Lào Cai là một trong những tỉnh đã và đang triển khai có hiệu quả mô hình tưới tiết kiệm. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Lào Cai, ưu điểm của tưới nhỏ giọt là nhu cầu nước thấp, giảm chi phí lao động, kiểm soát được chính xác lượng nước và phân bón, ngăn chặn sự xói mòn của đất, tập trung bộ rễ trong vùng ướt, giảm phát thải cacbon ra môi trường và tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch.
Những năm qua, mô hình cây chuối mô được trồng trên vùng đồi xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng với diện tích 300ha bằng hệ thống tưới tiết kiệm nhỏ giọt của Cty Hoàng Lan đang phát triển khá tốt. Theo tính toán, tổng chi phí xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt tính trung bình khoảng 50 triệu đồng/ha, bao gồm các hạng mục như xây dựng công trình thủy lợi, bể áp lực, đường ống dẫn nước và dinh dưỡng tới gốc cây. Đường ống có độ bền khoảng 6 – 8 năm.
Ưu điểm của mô hình là chi phí công lao động giảm so với tưới bằng thủ công, năng suất chuối cao (cao hơn khoảng 10 tấn/ha) so với không tưới nhỏ giọt, đảm bảo được quy trình sản xuất chuối sạch (sản phẩm đạt tiêu chuẩn). Ngoài ra, việc áp dụng hệ thống tưới còn giảm được chi phí đầu tư phân bón (vì tận dụng được hết lượng phân bón sử dụng và phân đã tan trong nước, không gây thất thoát như biện pháp bón thông thường hiện nay
Để hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ vùng sản xuất cây ăn quả tập trung trên địa bàn tỉnh Lào Cai (3.500ha), tỉnh Lào Cai dự kiến sẽ xây dựng 6 dự án tưới tiết kiệm (4 dự án tưới cho cây ăn quả lâu năm và 2 dự án tưới cho cây chuối mô) tưới cho 742ha cây ăn quả.
Đối với vùng trồng chè tập trung, Lào Cai đang đề xuất Trung ương hỗ trợ xây dựng 14 dự án tưới cho 3.140ha chè thuộc các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát và Mường Khương. Giải pháp tưới cho cây chè là xây dựng các đập dâng nước để trữ vào bể chứa, lắp đặt trạm bơm để tưới qua hệ thống tới nhỏ giọt và bón phân qua hệ thống tưới. Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất 2 dự án thuộc Khu Nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Sa Pa và Bắc Hà với tổng quy mô 300ha.
Đối với Hòa Bình, cam là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Do đó, hệ thống thủy lợi, giao thông và điện phục vụ cho sản xuất cam đã được đầu tư tương đối đầy đủ.
Hiện tại, nguồn nước tưới gần như phục thuộc vào nước mặt. Cam được tưới chủ yếu bằng máy bơm và vòi phun. Hình thức tiêu cho cam gần như dựa vào đặc điểm địa hình dốc. Hiện tại, tỉnh đang đề xuất nâng cấp công trình thủy lợi hiện có cho vùng cam, chuyển đổi mục đích của các công trình thủy lợi, nâng cao năng lực các hồ chứa để tích nước. Đồng thời, Hòa Bình cũng đề xuất xây dựng 11 dự án tưới nhỏ giọt cho hơn 5.000ha cho vùng cam tập trung, đặc biệt là khu vực huyện Cao Phong.
Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2014 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh sẽ hình thành các vùng sản xuất tập trung các loại cây chủ lực.
Trong đó, vùng trồng cây công nghiệp hàng hóa tập trung (chè và dong riềng) hiện tại giải pháp cấp nước chủ yếu là cấp bằng nước mặt từ các công trình thủy lợi hiện có. Bởi vậy cần xây dựng đường ống để tránh thất thoát nước và đỡ tốn diện tích đất và giải pháp tưới tiết kiệm nhỏ giọt kết hợp bón phân hữu cơ qua tưới.
Tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất 4 dự án cấp nước cho 2.540ha (1.800ha chè và 740ha dong riềng). Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đề xuất những dự án tưới tiết kiệm cho khoảng 1.160ha hoa và rau an toàn, dược liệu tâp trung; 1.270ha cây ăn quả.
Trong các tỉnh trung du và MNPB, Hà Giang là tỉnh khô khát nhất. Ngoài lúa và hoa màu, trọng tâm của tỉnh từ nay đến năm 2020 là phát triển 3 cây thế mạnh gồm chè (hơn 12.000ha), cam (gần 6.400ha) và dược liệu (hơn 22.000ha). Riêng với cây cam, tuy có diện tích lớn nhưng trồng phân tán trong các vườn hộ gia đình. Diện tích trồng tập trung và thuận lợi về nguồn nước không nhiều. Qua khảo sát thực tế kết hợp với Phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT Hà Giang), dự án đã đề xuất 5 dự án tưới tiết kiệm nước (cụ thể là tưới nhỏ giọt) cho 5 vùng sản xuất tập trung với diện tích cam là 1.270ha.