Theo thống kê, hiện tại vùng trung du, Miền núi phía Bắc mới có 11/15 tỉnh đã và đang triển khai, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến (công nghệ tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt).
Với địa hình đặc thù chủ yếu là đất dốc, thủy lợi ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc (MNPB) có thể tạo nên sự đột phá, đáp ứng tốt yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Để xóa bỏ hình ảnh của một nền nông nghiệp manh mún, phân tán và hiệu quả thấp, 15 tỉnh trung du, MNPB đang mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành những vùng nông sản hàng hóa, giá trị cao và hiệu quả bền vững. Muốn thành công, trước nhất phải hiện đại hóa hệ thống thủy lợi.
Tuy nhiên, theo rà soát của Viện Khoa học thủy lợi (Bộ NN-PTNT), quy hoạch thủy lợi khu vực MNPB chủ yếu phục vụ các vùng sản xuất lúa tập trung mà chưa chú trọng cho những vùng cây công nghiệp thế mạnh có giá trị cao như chè, các phê, cây ăn trái. Đồng thời, chưa tập trung công trình cho khai thác trên diện đất dốc.
4 tỉnh chưa áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm
Theo thống kê, hiện tại vùng trung du, MNPB mới có 11/15 tỉnh đã và đang triển khai, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến (công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt). 4 tỉnh gồm Điện Biên, Lai Châu, Lạng Sơn, Bắc Kạn chưa áp dụng công nghệ tưới này.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, toàn vùng trung du, MNPB mới chỉ có 30 mô hình có quy mô từ 1 đến hàng trăm ha do các tổ chức nước ngoài, các doanh nghiệp, các mô hình thử nghiệm do Bộ NN-PTNT, Bộ KHCN… đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, có đến hàng chục dự án quy mô nhỏ từ 0,2ha đến 2ha do người dân tự đầu tư xây dựng cho cây cam Cao Phong (Hòa Bình) với tổng diện tích khoảng trên 100ha. Tổng diện tích được tưới tiết kiệm của vùng là 1.159,3ha cây trồng cạn, chủ yếu là cây rau màu, hoa, dược liệu, cây ăn quả (cam, chuối), cây công nghiệp dài ngày (chè, cà phê). Diện tích tưới tiết kiệm được tập trung nhiều nhất là Lào Cai (400ha), Phú Thọ (282ha) và Hà Giang (254ha).
Còn lại, ở các tỉnh như Bắc Giang, Cao Bằng, Yên Bái và Quảng Ninh, các mô hình được áp dụng chủ yếu mang tính chất mô hình trình diễn, mô hình thử nghiệm. Quy mô tưới tiết kiệm chủ yếu từ một vài đến vài chục ha. Lào Cai là một trong những tỉnh đã và đang triển khai có hiệu quả mô hình tưới tiết kiệm. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Lào Cai, ưu điểm của tưới nhỏ giọt là nhu cầu nước thấp, giảm chi phí lao động, kiểm soát được chính xác lượng nước và phân bón, ngăn chặn sự xói mòn của đất, tập trung bộ rễ trong vùng ướt, giảm phát thải cacbon ra môi trường và tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch.
Những năm qua, mô hình cây chuối mô được trồng trên vùng đồi xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng với diện tích 300ha bằng hệ thống tưới tiết kiệm nhỏ giọt của Cty Hoàng Lan đang phát triển khá tốt. Theo tính toán, tổng chi phí xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt tính trung bình khoảng 50 triệu đồng/ha, bao gồm các hạng mục như xây dựng công trình thủy lợi, bể áp lực, đường ống dẫn nước và dinh dưỡng tới gốc cây. Đường ống có độ bền khoảng 6 – 8 năm.
Ưu điểm của mô hình là chi phí công lao động giảm so với tưới bằng thủ công, năng suất chuối cao (cao hơn khoảng 10 tấn/ha) so với không tưới nhỏ giọt, đảm bảo được quy trình sản xuất chuối sạch (sản phẩm đạt tiêu chuẩn). Ngoài ra, việc áp dụng hệ thống tưới còn giảm được chi phí đầu tư phân bón (vì tận dụng được hết lượng phân bón sử dụng và phân đã tan trong nước, không gây thất thoát như biện pháp bón thông thường hiện nay
Để hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ vùng sản xuất cây ăn quả tập trung trên địa bàn tỉnh Lào Cai (3.500ha), tỉnh Lào Cai dự kiến sẽ xây dựng 6 dự án tưới tiết kiệm (4 dự án tưới cho cây ăn quả lâu năm và 2 dự án tưới cho cây chuối mô) tưới cho 742ha cây ăn quả.
Đối với vùng trồng chè tập trung, Lào Cai đang đề xuất Trung ương hỗ trợ xây dựng 14 dự án tưới cho 3.140ha chè thuộc các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát và Mường Khương. Giải pháp tưới cho cây chè là xây dựng các đập dâng nước để trữ vào bể chứa, lắp đặt trạm bơm để tưới qua hệ thống tới nhỏ giọt và bón phân qua hệ thống tưới. Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất 2 dự án thuộc Khu Nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Sa Pa và Bắc Hà với tổng quy mô 300ha.
Đối với Hòa Bình, cam là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Do đó, hệ thống thủy lợi, giao thông và điện phục vụ cho sản xuất cam đã được đầu tư tương đối đầy đủ.
Hiện tại, nguồn nước tưới gần như phục thuộc vào nước mặt. Cam được tưới chủ yếu bằng máy bơm và vòi phun. Hình thức tiêu cho cam gần như dựa vào đặc điểm địa hình dốc. Hiện tại, tỉnh đang đề xuất nâng cấp công trình thủy lợi hiện có cho vùng cam, chuyển đổi mục đích của các công trình thủy lợi, nâng cao năng lực các hồ chứa để tích nước. Đồng thời, Hòa Bình cũng đề xuất xây dựng 11 dự án tưới nhỏ giọt cho hơn 5.000ha cho vùng cam tập trung, đặc biệt là khu vực huyện Cao Phong.
Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2014 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh sẽ hình thành các vùng sản xuất tập trung các loại cây chủ lực.
Trong đó, vùng trồng cây công nghiệp hàng hóa tập trung (chè và dong riềng) hiện tại giải pháp cấp nước chủ yếu là cấp bằng nước mặt từ các công trình thủy lợi hiện có. Bởi vậy cần xây dựng đường ống để tránh thất thoát nước và đỡ tốn diện tích đất và giải pháp tưới tiết kiệm nhỏ giọt kết hợp bón phân hữu cơ qua tưới.
Tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất 4 dự án cấp nước cho 2.540ha (1.800ha chè và 740ha dong riềng). Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đề xuất những dự án tưới tiết kiệm cho khoảng 1.160ha hoa và rau an toàn, dược liệu tâp trung; 1.270ha cây ăn quả.
Trong các tỉnh trung du và MNPB, Hà Giang là tỉnh khô khát nhất. Ngoài lúa và hoa màu, trọng tâm của tỉnh từ nay đến năm 2020 là phát triển 3 cây thế mạnh gồm chè (hơn 12.000ha), cam (gần 6.400ha) và dược liệu (hơn 22.000ha). Riêng với cây cam, tuy có diện tích lớn nhưng trồng phân tán trong các vườn hộ gia đình. Diện tích trồng tập trung và thuận lợi về nguồn nước không nhiều. Qua khảo sát thực tế kết hợp với Phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT Hà Giang), dự án đã đề xuất 5 dự án tưới tiết kiệm nước (cụ thể là tưới nhỏ giọt) cho 5 vùng sản xuất tập trung với diện tích cam là 1.270ha.