Bình Định là tỉnh có đàn bò khá lớn, chiếm gần 27% tổng đàn bò ở duyên hải Nam Trung bộ. Để giải quyết nguồn thức ăn thô xanh cho gần 250.000 con, tỉnh vừa giới thiệu và chuyển giao kỹ thuật trồng giống cỏ voi năng suất, chất lượng cao VA06.
Đàn bò và những thách thức
Theo quy hoạch phát triển, đến 2015 đàn bò tỉnh này sẽ tăng đến 280.000 con và năm 2020 sẽ là 320.000 con. Trong khi đó, diện tích trồng cỏ trong tỉnh chỉ đạt 641 ha, chỉ đáp ứng nhu cầu thức ăn thô xanh cho khoảng 25.000 con bò, chưa được 10% tổng đàn.
Bãi chăn thả và đồng cỏ tự nhiên ngày càng bị thu hẹp (giảm 10 – 20% hàng năm) do các địa phương phát triển mạnh trồng rừng SX và ưu tiên đất phát triển khu công nghiệp. Thêm vào đó, nguồn rơm rạ cũng ngày càng ít đi do chuyển đổi mạnh cơ cấu SX từ 3 vụ còn 2 vụ lúa/năm.
Trong chiến lược phát triển kinh tế của Bình Định, chăn nuôi bò thịt được xác định là một trong những thế mạnh. Do đó, định hướng của tỉnh là đưa ngành chăn nuôi bò thịt hướng tới SX hàng hóa. Để đạt được mục tiêu trên, đồng thời nâng cao chất lượng thịt bò để có thể cạnh tranh trên thị trường, Bình Định bắt đầu đẩy mạnh việc tạo nguồn thức ăn thô xanh quanh năm cho đàn bò.
Mới đây, thông qua Dự án Cạnh tranh nông nghệp và Cty TNHH Tư vấn phát triển công nghệ nông nghiệp miền Trung, ngành NN-PTNT Bình Định đã chuyển giao đến người chăn nuôi kỹ thuật trồng giống cỏ voi VA06 qua 8 mô hình với 240 hộ tham gia tại 5 huyện, thị xã có phong trào nuôi bò mạnh.
Niềm vui của người chăn nuôi
Anh Nguyễn Văn Đức ở thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) đang nuôi 7 con bò đã “thoát” được nỗi khổ lo toan thức ăn thô xanh cho bò từ khi tiếp cận giống cỏ voi VA06. Anh Đức cho biết: “Sau khi được giới thiệu giống cỏ voi VA06 có năng suất và chất lượng cao, tui trồng 1 lèo 8 sào. Từ khi cỏ cho thu hoạch đến nay, 7 con bò của tui không cần đến rơm và cũng không còn lo công chăn thả chúng nữa, cỏ xanh ăn thoải mái từ sáng đến chiều.
Hiện giá rơm cao đến 300.000 đ/sào mà đâu phải dễ mua, bởi người nuôi bò và thương lái buôn dưa hấu tranh mua rơm quyết liệt. Với 8 sào cỏ voi VA06, ngoài không còn lo lương thực cho chúng, mà đàn bò của tui ăn loại cỏ này cứ mập dụi, nhờ chất dinh dưỡng trong cỏ rất cao”.
Dắt chúng tôi ra cánh đồng trồng cỏ của gia đình mình, anh Đức chặt thử mấy bụi để minh họa: “Loại cỏ này cao hơn loại cỏ voi thường tui trồng trước đây từ 30 – 40 cm, lá cũng rộng và dài hơn nhiều; đặc biệt là thân cỏ mềm từ gốc đến ngọn nên bò có thể ăn tất. Trước đây, nhà nào làm được 1 sào ruộng mới đủ rơm nuôi 1 con bò, bây giờ ai trồng được 2 sào cỏ voi VA06 là nuôi được 3 con bò thoải mái”.
Cũng theo anh Đức, với kỹ thuật trồng mới, các mầm cỏ lên rất đều, giống không bị chết. Trước đây bà con trồng cỏ bằng cách dăm đứng, chỉ có mấy mắc cỏ nằm dưới đất mới lên mầm, những mắc bên trên tiếp xúc với nắng nóng chết hết nên năng suất cho kém.
“Nếu để đúng sau 30 ngày mới cắt thì lứa cỏ sau sẽ lên rất mạnh. Cắt non, lứa sau cỏ lên chậm mà cho năng suất kém. Trong số 8 sào đất trồng cỏ của tui có mấy sào đất gò trước đây không trồng trỉa được gì, bây giờ trồng cỏ tốt ngất trời. Cỏ này mà được “ăn” phân bò thì năng suất cho càng vượt trội”, anh Đức chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tín, GĐ Cty TNHH Tư vấn phát triển công nghệ nông nghiệp miền Trung cho hay: Cỏ voi VA06 có thể khai thác từ 3 – 5 năm, chiều cao cây cỏ từ 3 – 6 m. Trong quá trình khai thác, tùy đối tượng vật nuôi, người chăn nuôi nên cắt ở độ cao khác nhau để cỏ đạt được năng suất và chất lượng cao nhất.
Đối với con bò, khi khai thác nên cắt ở độ cao từ 1 – 1,2 m là phù hợp. Theo nghiên cứu, nhóm cỏ voi có chu kỳ sinh trưởng phát triển chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu có chất lượng dinh dưỡng cao nhưng sinh khối thấp; giai đoạn 2 chất lượng và sinh khối đều cao; giai đoạn 3 sinh khối cao nhưng chất lượng thấp. Do đó, trong quá trình khai thác cần duy trì cỏ trong giai đoạn 2 để có hiệu quả chăn nuôi cao nhất.
“Qua 8 mô hình được thực hiện tại 5 huyện, thị ở Bình Định, kết quả cho thấy năng suất chất xanh của cỏ VA06 đạt bình quân hơn 341 tấn/ha. Với năng suất trên, 1 ha cỏ bà con có thể nuôi từ 28 – 30 con bò”, ông Tín cho biết.
“Do nhu cầu thức ăn thô xanh cho bò rất lớn, nên khi chúng tôi giới thiệu và chuyển giao kỹ thuật trồng loại cỏ có năng suất, chất lượng cao VA06 bà con rất háo hức đón nhận. Với kết quả cho thấy rất khả quan, chúng tôi hy vọng nếu nhân rộng diện tích trồng giống cỏ này, vấn đề thức ăn thô xanh cho đàn bò sẽ không còn là mối lo lớn”, bà Trần Thị Kim Oanh, PGĐ Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Bình Định.
VŨ ĐÌNH
Theo NNVN