Bỏ qua khâu trồng mía và sản xuất đường thô, năng lực cạnh tranh của BHS sẽ tăng lên đáng kể.
Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (BHS) và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là 2 cái tên đang gây ra tranh cãi giữa Bộ Công Thương và Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) khi Bộ Công Thương cho phép BHS nhập khẩu 30.000 tấn đường thô của HAGL từ Lào để tinh luyện và sau đó xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ.
Bước đi này vấp phải sự phản đối dữ dội của VSSA. Hiệp hội cho rằng lợi ích của các công ty đường nội và người dân trồng mía đang bị đe dọa nghiêm trọng, ngành đường có nguy cơ phá sản bởi không thể cạnh tranh nổi với đường nhập từ Lào của HAGL.
Sự phản đối này cũng là điều dễ hiểu vì BHS là doanh nghiệp có sức ảnh hưởng lớn trong ngành mía đường Việt Nam. BHS được thành lập từ năm 1969 với hoạt động sản xuất kinh doanh chính là trồng mía và sản xuất đường. Công ty hiện đứng thứ hai về quy mô trong số các doanh nghiệp đường đang hoạt động, với mạng lưới phân phối lớn và vị trí ưu thế tại các hệ thống siêu thị trên cả nước. Vì thế, nếu BHS bỏ qua khâu trồng mía và sản xuất đường thô, sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng đến lợi ích của nông dân và ngành mía đường trong nước.
Hãy khoan bàn về tính đúng sai, nhưng động thái của BHS đã phần nào cho thấy thực trạng yếu kém của ngành mía đường Việt Nam.
Bằng chứng rõ nhất là hiệu suất sản xuất trung bình của ngành chỉ bằng khoảng 40% so với Brazil, một quốc gia mạnh về mía đường, theo báo cáo ngành của Công ty Chứng khoán SBSC. Điều này dẫn đến giá thành sản xuất đường nội cao hơn nhiều so với giá đường thế giới. Giá thành cao cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đường lậu tuồn về từ Thái Lan với số lượng khá lớn, gần 300.000 tấn/năm.
Sự yếu kém này một phần là do được nuông chiều. Ngành đường được xem là đứa con cưng khi vừa được Nhà nước bảo hộ, vừa được VSSA che chở. Hằng năm, Bộ Công Thương sẽ cấp hạn ngạch nhập khẩu đường vào cuối niên vụ mía đường (thường rơi vào tháng 8) để tránh tình trạng cạnh tranh giữa đường nội và đường nhập khẩu. Hạn ngạch xuất khẩu sẽ được cấp sau khi Bộ cân đối lượng đường tồn kho trên cả nước.
Với những ưu tiên này, các công ty đường gần như chiếm vị thế độc quyền, đường nội chỉ phải cạnh tranh với đường nội. Tuy nhiên, như Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú từng phát biểu, “tất cả các đứa con cưng đều hư”.
Thực vậy, VSSA luôn đòi hỏi nhiều hơn những gì Nhà nước quy định. Đối với VSSA, nhập khẩu bao nhiêu cũng là nhiều và hạn ngạch xuất khẩu bao nhiêu vẫn là ít. Chẳng hạn, năm 2012, sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo về việc thiếu hụt đường và yêu cầu nhập đường về, VSSA đã lên tiếng về 400.000 tấn đường tồn kho và khẳng định không có chuyện thiếu đường. Gần đây nhất về chuyện cấp hạn ngạch xuất khẩu, Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu 200.000 tấn đường RS từ tháng 1-6.2014, còn VSSA đề xuất cho phép xuất khẩu không hạn chế số lượng và chủng loại.
Êm ái trong nệm ấm chăn êm mà Nhà nước và VSSA dọn sẵn, phải thừa nhận rằng hầu hết các doanh nghiệp đường đều giậm chân tại chỗ, tự thỏa mãn với bản thân mà gần như không có động thái nào chuẩn bị cho năm 2015 khi Hiệp định AFTA về Khu vực mậu dịch tự do ASEAN có hiệu lực.
Ngoài lý do bảo hộ khiến các công ty mất đi bản năng sinh tồn, sự yếu kém của ngành đường cũng là hậu quả của những điều “chưa tới”: nghiên cứu chưa tới, quy hoạch chưa tới và đầu tư chưa tới.
Chọn ra một giống mía tốt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam là điều cần thiết, nhưng lại không được Nhà nước chú trọng. Việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía cũng là điều thiết yếu, nhưng hiện nay các cánh đồng và nông trường mía đang rất manh mún và nhỏ lẻ, không được quy hoạch để cơ giới hóa các công việc đang phải sử dụng sức người.
Hội nhập là cơ hội cho những gã khổng lồ nhưng đồng thời lại là thách thức cho những kẻ yếu. Khi mốc 2015 đang cận kề, các công ty đường trong nước mới bắt đầu hoảng sợ. Tính đến ngày 15.5, đã có 37 trong tổng số 41 nhà máy đường ngừng sản xuất với lý do giá nguyên liệu đầu vào quá cao, các nhà máy đường không thể hoạt động.
Sự khốc liệt này chưa thể so sánh với làn sóng đào thải sắp tới. Để là người sống sót, trước mắt các doanh nghiệp đường phải tự bứt phá. Và bước bứt phá mà BHS lựa chọn là bỏ qua khâu trồng mía và sản xuất đường thô.
Dù còn gây nhiều tranh cãi, nhưng bước đi này của BHS là hợp lý, nếu nhìn nhận một cách khách quan. Bởi lẽ, một khi điểm yếu nhất của quy trình được loại bỏ (tức khâu trồng mía và sản xuất đường thô), năng lực cạnh tranh của BHS sẽ tăng lên đáng kể và Công ty sẽ có thể phát huy được tối đa lợi thế của nhà máy đường tinh luyện công nghệ Nhật duy nhất tại Việt Nam. Đó là cơ sở cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2014 khi BHS đặt mục tiêu doanh thu giảm 10% nhưng lợi nhuận sau thuế tăng đến 63,6%.
Không chỉ vậy, BHS cũng đang chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi khi góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công. Sự đầu tư này là thiết thực nhằm khắc phục những điểm yếu đang tồn tại trong ngành đường về giống mía, giảm tổn thất đường trong mía.
Rõ ràng, BHS không nhìn về ngắn hạn mà tính đến sự lâu dài. Với năng lực yếu kém của các công ty đường hiện nay, khả năng phá sản của ngành đường Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra, khi thuế suất đường giảm còn 0% và việc hạn chế số lượng đường nhập khẩu bị xoá bỏ vào năm 2015 theo Hiệp định AFTA.
Thay vì phản đối, VSSA nên có cái nhìn tích cực hơn về hành động của BHS để hiểu rằng đó là tương lai của ngành đường Việt Nam