Đại tá Nguyễn Anh Tuấn – Lữ đoàn trưởng cho biết: “Cùng với việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, chiến sĩ lữ đoàn còn rất hăng hái tham gia công tác dân vận. Trong đó, lữ đoàn chủ động tham gia hoạt động xây dựng nông thôn mới, nổi bật là việc cán bộ, chiến sĩ trong lữ đoàn đã phát huy vai trò nòng cốt khi tham gia xây dựng đường giao thông liên thôn, liên xóm; củng cố làm mới trường học; hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh… Do vậy, phong trào nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương”.
Chiến sĩ Lữ đoàn 414 phối hợp với đoàn thanh niên huyện Nam Đàn tổ chức Ngày môi trường.
Hưởng ứng tích cực phong trào, trong 2 năm qua đơn vị đã tích cực hỗ trợ nhân dân về máy móc (máy ủy, máy xúc, máy lu, máy trộn đổ bê tông) và nhân lực để làm được khá nhiều công trình. Đó là con đường Đa-bô thuộc địa phận xóm Vạn An, Đụn Sơn (xã Vân Diên) và Khối Xuân Khoa (Thị trấn) dài 1.200m, rộng 5m. Trong đó phần đổ bê tông 4m; đơn vị đã hỗ trợ toàn bộ máy móc để làm phần cơ đường và trộn đổ gần 650m3 bê tông. Đó là việc đào đắp vận chuyển 150m3 đất đắp đường xóm Hạ Long, hỗ trợ hàng trăm ca máy và hàng nghìn ngày công bộ đội tham gia san, ủi làm 2 sân bóng nhà văn hóa xóm Vạn An (xã Vân Diên); 5 sân trường học; phối hợp với UBND xã Nam Lộc xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ làm mương thoát nước nội đồng, dài 2.952m, góp phần tạo điều kiện cho bà con nhân dân thuận lợi trong lao động, sản xuất nông nghiệp.
Những ai tới khu vực này những năm trước đây, giờ quay lại đã thấy sự đổi khác rõ rệt- xưa kia hệ thống đường giao thông của các xã rất chật hẹp, chỉ khoảng 2,5-3m, hai bên đường cây cối mọc lấn át hết cả lối đi. Giờ đường đã được mở rộng, hai bên được phát quang sạch đẹp. Để đầu tư làm được con đường với chiều dài, rộng thoáng đáng như vậy, bà con nhân dân ở đây đã tự nguyện đóng góp trên 2 triệu đồng, UBND các xã đã trích một phần kinh phí đầu tư, chiến sĩ lữ đoàn thì trợ giúp hàng ngàn ngày công, giờ máy…
Sẵn sàng những ngày công tình nguyện
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Đường Đa-bô là con đường giao thông liên xã đầu tiên của 2 xã Vân Diên và thị trấn Nam Đàn. Sự chung tay, hỗ trợ cả tinh thần và vật chất của lữ đoàn là món quà có ý nghĩa giúp địa phương triển khai thành công các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.
Lữ đoàn Công binh Hải Vân anh hùng là một trong những điển hình “Dân vận khéo” theo phong cách Hồ Chí Minh của Quân khu 4. Hiện nay toàn lữ đoàn đã kết nghĩa với 9 xóm, khối; 6 xã, 8 trường học trên địa bàn đóng quân và tham gia hỗ trợ các đơn vị kết nghĩa ở nhiều mặt. |
Hiện nay, lữ đoàn đang tiếp tục triển khai xây dựng công trình cổng trụ sở UBND xã Vân Diên trị giá 260 triệu đồng, công trình tặng cho đơn vị kết nghĩa nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12).
Không chỉ tham gia làm nông thôn mới, chỉ huy lữ đoàn còn chỉ đạo và tạo mọi điều kiện cho Đoàn Thanh niên của đơn vị phối hợp với địa phương tổ chức ra quân thực hiện “Tuần lễ vệ sinh, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ”; tổ chức “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày môi trường”, làm đường băng cản lửa để phòng chống cháy rừng, tập bơi cho các cháu thiếu niên, nhi đồng trong dịp nghỉ hè, tổng vệ sinh các trục đường vào khu lăng mộ Vua Mai, các trục đường liên thôn, thu gom rác thải tại các khu vực công cộng với hơn 800 ngày công và 21 lượt phương tiện. Tất cả các hoạt động đều được các chiến sĩ lữ đoàn đều hăng hái tham gia, góp phần xây dựng tình quân dân thắm thiết trên mảnh đất Nam Đàn.
Nguồn: Báo Quảng Ngãi, 25/09/2013
Ngày đăng tin: 26/09/2013
Những ngày này, đi dọc các con đường ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn – Quảng Ngãi), ta như bị hút mắt vào màu xanh mênh mông. Trên nền xanh mượt ấy, hàng trăm người đang nâng niu, quý trọng từng mầm cây.
Vườn keo giống BV 16 theo phương pháp cấy mô của ông Ba.
Vườn ươm được đầu tư hệ thống phun sương tự động giúp cây giống ra đều và nhanh phát triển nhờ được cung ứng đủ và đều nước.
* Người đi tiên phong
Ở xã Bình Hiệp, ông Phạm Xuân Ba (54 tuổi) ở thôn Xuân Yên được biết đến là người đi tiên phong trong phong trào ươm keo và nhân giống keo lai mô.
Những ngày mưa tháng 9 là thời điểm vào mùa trồng keo tốt nhất. Vườn ươm rộng hơn 1ha của gia đình ông Ba hợp tác cùng 3 gia đình khác tất bật với gần chục lao động đang làm việc. Ai cũng cặm cụi với công việc của mình. Cảnh xe cộ ra vào hoà lẫn với tiếng người mua bán càng làm cho không khí thêm phần nhộn nhịp.
Từng là công nhân lâm trường ở Bình Sơn, rồi làm công nhân công ty cao su, năm 2000, khi phong trào trồng rừng bắt đầu rầm rộ, sẵn kinh nghiệm được trau dồi trong những năm tháng làm công nhân, ông Ba quyết định lập vườm ươm trên đất vườn nhà bán cho nhân dân quanh vùng.
Mỗi năm ông Ba không chỉ thu về vài chục triệu đồng từ vườn ươm mà còn giải quyết lao động thường xuyên cho bà con nông dân trong thôn. Thấy vườm ươm của ông làm ăn hiệu quả, nhiều gia đình trong xã cũng làm theo. Cây keo đã mang lại nguồn thu đáng kể cho những hộ dân nơi đây và Bình Hiệp trở thành nơi cung cấp giống keo cho khắp các địa phương trong tỉnh.
Từ thực tế hơn 12 năm gắn bó với việc ươm keo lai và trồng rừng, ông Ba thấy cây keo ươm theo phương pháp giâm hom có một số nhược điểm như, chỉ có rễ chùm nên dễ đổ ngã, thân giòn, dễ gãy.
Vốn là người ham học hỏi, chịu khó tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thông qua truyền hình, internet, ông Ba biết đến giống keo lai mô với ưu thế phát triển khỏe, năng suất vượt trội.
Không một chút ngần ngại, đầu năm 2013, ông Ba khăn gói vào tận Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp Miền Nam đưa về 20.000 cây giống keo lai BV 16 bằng phương pháp nuôi cấy mô, về trồng trên diện tích 6.500 m2 và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật hướng dẫn của Viện.
Sau 3 tháng nhân giống, ông Ba đã xuất bán được lứa đầu tiên 150.000 cây keo giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Thấy hiệu quả, ông Hoa quyết định hợp tác cùng 3 hộ dân có đất để mở rộng vườn ươm lên hơn 1ha lấy tên là Vườn ươm Bình Hiệp.
Chỉ sau 6 tháng nhân giống đầu dòng, Vườn ươm Bình Hiệ” đã xuất bán1,5 triệu cây giống bằng phương pháp cấy mô, thu về gần 800 triệu đồng. Không chỉ mở rộng diện tích, ông Ba còn bỏ ra hơn 80 triệu đồng để đầu tư hệ thống phun sương tự động. Từ khi có hệ thống phun sương, vườn ươm không chỉ tiết kiệm được lượng nước đáng kể mà cây giống còn ra đều và nhanh phát triển nhờ được cung ứng đủ và đều nước.
So sánh với với keo lai truyền thống, ông Ba cho biết: “Trên cùng chân đất và chăm sóc như nhau, cây keo mô đã cho thấy ưu điểm vượt trội. Thân cây lên thẳng, ít phân cành, có rễ cọc chắc chắn”.
Hiện nay cây keo giống cấy mô có giá từ 600 đồng/cây. Tuy nhiên, mật độ trồng chỉ 1.600 cây/ha, với keo giâm hom là 2.200 cây/ha. Như thế, trên cùng một diện tích, chi phí phải đầu tư thêm cho mua cây giống cấy mô là 300 nghìn đồng/ha, nhưng rút ngắn được thời gian khai thác đến 2 năm.
*Người người ươm keo, nhà nhà ươm keo
Những năm gần đây, số lượng vườn ươm ở Bình Hiệp ngày càng tăng nhanh, nhà nhà, người người đầu tư vườm ươm keo. Các hộ dân đã tận dụng tối đa diện tích đất vườn, đồi để ươm keo giống, thu lợi nhuận cao. Ươm cây keo giống không những giúp bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách có hiệu quả, mà còn nâng cao được thu nhập cho hộ gia đình.
Công việc diễn ra tất bật cả mùa nắng lẫn mùa mưa. Cứ vào tháng 3 hằng năm, các vườm ươm lại bắt đầu chọn đất, làm đất, trộn phân, đóng bầu, giâm hom… Đến tháng 6, người dân bắt đầu có giống để bán. Vì thế, người lao động có việc làm quanh năm. Hiện, các vườn ươm giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, đặc biệt là chị em phụ nữ với mức thu nhập 3- 3,6 triệu đồng/người/tháng.
Từ 200m2 đất ban đầu, đến nay vườn ươm của chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Liên Trì đã mở rộng ra hơn 2.000m2. Đến với nghề này muộn hơn, nhưng nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước nên chẳng mấy chốc chị đã nắm được những bí quyết, cách làm hay về thử nghiệm tại vườn ươm của mình. Nhờ đó, chị Dung đã nhanh chóng trở thành một trong những người ươm giống nổi tiếng ở địa phương.
Chỉ tay về đám keo cấy mô đang thời kỳ tươi tốt, chị Dung phấn khởi nói: “Thấy phong trào trồng rừng phát triển mạnh, trong khi nguồn giống quá ít. Chính vì thế, gia đình tôi đã quyết định ươm thử với số lượng ít. Trong mùa đầu thu hoạch, sau khi trừ chi phí và công chăm sóc, so với cây lúa, ươm keo giống mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp bốn lần.
Mỗi năm, vườm ươm của chị xuất bán từ 700.000 – 800.000 đ/cây keo giống, trừ chi phí chị Dung thu về hơn 150 triệu đồng. Theo chị Dung, tuy nghề này vốn đầu tư ít và ít rủi ro nhưng phải cẩn thận, tỉ mỉ. Từ khâu chọn đất, làm đất, đóng bầu, giâm hom hoặc giâm cành, che chắn vườn ươm… đều phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật thì cây mới sinh trưởng và phát triển tốt.
Hiện nay, keo cấy mô được nhiều người biết đến và ưa chuộng nên nhiều chủ vườm ươm đang đẩy mạnh nhân giống để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các vườn ươm này không chỉ phục vụ nhu cầu trồng rừng của người dân trong tỉnh mà còn đáp ứng thị trường các tỉnh lân cận như: Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Huế…
Ngoài vườn ươm của ông Ba, chị Dung, hiện nay trên địa bàn xã Bình Hiệp còn vài trăm vườn ươm lớn, nhỏ của các gia đình, cung ứng mỗi năm vài chục triệu cây keo giống cho thị trường.
Không chỉ có phụ nữ gắn bó với nghề, mà còn cả thanh niên, thanh nữ. Số lượng người theo nghề này ngày một nhiều. Nhiều người xem đây là nghề chính của mình. Họ đến với nghề không chỉ với khát vọng vươn lên làm giàu mà còn mang đến niềm vui sống mỗi ngày khi nhìn thấy những hạt giống nảy mầm, cành non đâm chồi và phát triển. Những mầm xanh ấy không chỉ góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, mà còn mang lại sự bình yên, no ấm và hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Nông nghiệp và Thuỷ sản Việt Nam – Vietnam Agriculture and Aquaculture
Do thiếu đất SX nên ở miền núi vẫn phải canh tác trên đất có độ dốc lớn. Tình trạng xói mòn, thoái hóa đất diễn ra thường xuyên dẫn đến hiệu quả SX thấp. Vì thế, việc tìm ra những giải pháp canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất dốc là nhiệm vụ hết sức cấp thiết.
Diễn đàn “Một số giải pháp về canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất dốc vùng Tây Bắc” đã diễn ra tại Sơn La (hoạt động song song với Hội chợ Nông nghiệp – Thương mại vùng Tây Bắc tại huyện Mai Sơn, Sơn La) do Trung tâm KNQG phối hợp với Sở NN-PTNT Sơn La phối hợp tổ chức.
Tham dự có hơn 200 đại biểu là nông dân và cán bộ khuyến nông khu vực miền núi phía Bắc, đây là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả SX nông nghiệp trong vùng. Chủ trì diễn đàn gồm ông Trần Văn Khởi, PGĐ Trung tâm KNQG; ông Hà Quyết Nghị, Tỉnh ủy viên, GĐ Sở NN-PTNT Sơn La.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Văn Khởi cho biết: Hiện cả nước có khoảng 10 triệu ha đất SX nông nghiệp thì ngoài 4 triệu ha lúa, phần còn lại khoảng trên 5 triệu ha là đất dốc. Phần đất dốc được trồng chủ yếu là cây công nghiệp, cây ăn quả và cây màu lương thực.
Trong đó, đất có địa hình dốc dưới 15o (chiếm hơn khoảng gần 22%) đã được sử dụng cho SX nông nghiệp hoặc nông lâm nghiệp. Còn lại là diện tích đất có độ dốc từ 15o – 25o (chiếm trên 16%), và trên 25o (chiếm trên 61%). Do đó, đồng bào miền núi gặp rất nhiều khó khăn trong khâu canh tác.
Những năm gần đây, nhiều chương trình kinh tế – xã hội của nhà nước như chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc, chương trình 661, chương trình phát triển lâm nghiệp xã hội, xóa đói giảm nghèo bảo vệ rừng đầu nguồn… đã tạo ra những chuyển biến tích cực góp phần bảo vệ đất và sử dụng đất đồi núi hợp lý, hiệu quả cao.
Năng suất của hầu hết các loại cây trồng vùng Tây Bắc đều được tăng lên: Đối với SX lúa, sản lượng thóc năm 2011 đạt 633 nghìn tấn, tăng 91 (16,8%) so với năm 2005. SX ngô cũng có sự bứt phá rất mạnh trong 5 năm gần đây với sản lượng ngô toàn vùng năm 2011 đạt 778 nghìn tấn, tăng 375 nghìn tấn (93%) so với năm 2005…
Ngành lâm nghiệp cũng có sự khởi sắc. Kết quả SX nông lâm nghiệp trên vùng đất đồi dốc góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực vùng và hộ gia đình, xoá đói giảm nghèo, từng bước chuyển sang SX hàng hóa.
“Đất dốc của cả nước nói chung và các tỉnh phía Bắc nói riêng rất đa dạng, giàu tiềm năng, là nơi sinh sống của nhiều triệu người nhưng vẫn chứa đựng những khó khăn và bất cập như đất đai bị xói mòn, rừng đầu nguồn cạn kiệt, đất đai ngày càng nghèo dinh dưỡng do thoái hóa, thiên tai dịch bệnh ngày càng nhiều… Đứng trước thách thức đó, yếu tố bền vững trong SX nông nghiệp là rất quan trọng mà các nhà quản lý, nhà khoa học và người nông dân phải hướng tới”, ông Khởi nói. |
Theo nghiên cứu của Cục Trồng trọt, thực chất đất SX tiếp tục bị suy thoái chủ yếu là vì cuộc sống của người dân địa phương quá khó khăn, nên họ phải xâm nhập vào các khu rừng để tìm kế sinh nhai.
Như vậy, việc xóa đói phải được đặt ra trước tiên. Nhưng chúng ta vẫn chưa làm được, bởi một phần khách quan địa hình chia cắt, mặt khác do hệ thống thông tin tuyên truyền yếu, hệ thống khuyến nông làm việc tại vùng sâu, vùng xa kém, người dân không tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật. Loại hình canh tác quản canh vẫn tồn tại phổ biến ở một số dân tộc nhóm Mông, Dao, Tạng, Miến, Môn và Khmer dẫn đến năng suất cây trồng thấp và bấp bênh.
Tại diễn đàn, đại diện Viện KHKT NLN miền núi phía Bắc – ông Nguyễn Văn Tin, Trưởng Bộ môn Khoa học đất & sinh thái vùng cao đã đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật canh tác đất dốc bền vững ở vùng miền núi phía Bắc (đã được thực nghiệm thành công tại nhiều địa phương).
Từ năm 1998 – 2003, dự án SAM (dự án nông nghiệp miền núi) thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai các thực nghiệm về canh tác đất dốc. Tiêu biểu như ở huyện Thạch An, Cao Bằng, kỹ thuật canh tác đậu tương bền vững trên đất dốc thông qua che phủ đất bằng tàn dư thực vật, bón phân cân đối theo quy trình tác giả, bổ sung vôi và lân giúp tăng năng suất đậu tương từ 47,0 – 54,8% so với cánh làm truyền thống của nông dân.
Xen canh, tăng vụ cũng là một trong những biện pháp canh tác hữu hiệu và bền vững trên đất dốc, trong đó sắn trồng xen lạc là một điển hình. Qua nhiều năm theo dõi cho thấy, nếu trồng sắn thuần chỉ cho thu nhập gần 17 triệu đồng/ha, trong đó, nếu trồng xen đậu tương sẽ cho tổng thu nhập là 27 triệu đồng/ha và cho tổng thu 38,2 triệu đồng/ha nếu trồng xen 2 hàng lạc, tương đương tang từ 59 – 125% so với trồng sắn thuần.
Ngoài ra, việc trồng xen lạc với sắn còn cáo khả năng chống xói mòn đất rất tốt, lượng đất bị xói mòn giảm từ 71 – 86,9% so với đối chứng trồng thuần…
Tuy nhiên, kỹ thuật canh tác được nhiều chuyên gia nông nghiệp khuyên bà con nên áp dụng phổ biến đối với loại đất dốc là làm ruộng bậc thang. Bởi, nó có nhiều ưu điểm như giữ đất, giữ nước, chống xói mòn và dễ canh tác, chỉ cần đầu tư công sức cải tạo ruộng thời điểm ban đầu.
Tại diễn đàn, Ban chủ tọa và đội ngũ cố vấn gồm các chuyên gia khuyến nông, nhà khoa học và quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp đã giải đáp hơn 40 câu hỏi của bà con nông dân về các vấn đề liên quan đến canh tác bền vững trên đất dốc.
Trong đó, vấn đề bảo vệ thực vật đặc biệt được quan tâm. Với câu hỏi: Làm thế nào để sử dụng thuốc diệt cỏ hiệu quả và bảo vệ môi trường sinh thái tại khu vực đầu nguồn nước, ông Hà Văn Lán, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Sơn La, khẳng định: Đối với bất cứ loại thuốc diệt cỏ nào cũng chứa những chất cực độc, vì thế nhà nước nghiêm cấm bà con sử dụng thuốc diệt cỏ (còn gọi là thuốc cháy nhanh). Mặt khác, việc sử dụng liều lượng thuốc diệt cỏ cũng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo công thức mà nhà SX khuyến cáo trên bao bì (tối đa không quá 2 kg/ha).
Thực tế, có rất nhiều nông dân vì muốn cỏ chết nhanh nên đã sử dụng quá liều lượng cho phép một cách vô tội vạ, làm cho vi sinh vật trong đất bị ngộ độc, không thể hấp thụ hết, dư lượng còn lại sẽ chảy xuống sông, suối hoặc ngấm xuống mạnh nước gầm gây ô nhiễm nguồn nước.
Canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất dốc phải đảm bảo 5 yếu tố, đó là: Phù hợp với đặc thù điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng; trình độ dân trí, văn hoá của từng địa phương; đảm bảo độ phì nhiêu của đất; có hiệu quả kinh tế với năng suất ổn định và ngày càng tăng lên. Và cuối cùng là bảo vệ môi trường sinh thái tại vùng canh tác. |
Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn tại thành phố Đà Lạt
(LĐ online) – Cùng với 130 quốc gia trên thế giới, sáng 21/9 Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2013, do Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Lâm Đồng đồng chủ trì được tổ chức tại thành phố Đà Lạt.
Ông Đoàn Văn Việt – Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của Bộ TN và MT cho các tập thể và cá nhân |
Tham dự buổi lễ có ông Bùi Cách Tuyến – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bà Angela Pickett – Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, ông Đoàn Văn Việt – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, các sở ban ngành, cùng đông đảo đoàn viên, thanh niên, quần chúng nhân dân của các huyện, thành phố Đà Lạt. Năm nay, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2013 có chủ đề “Nơi sinh sống của chúng ta. Hành tinh của chúng ta. Trách nhiệm của chúng ta”, được phát động và hưởng ứng trên phạm vi toàn cầu từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 9. Chủ đề chiến dịch năm nay nhấn mạnh vai trò của mỗi cá nhân trong các hoạt động chung của cộng đồng, từ đó nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, cộng đồng về trách nhiệm đối với môi trường, góp phần vào những nỗ lực vì môi trường toàn cầu.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Cách Tuyến – Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiêp; các bộ, ngành trên cả nước cùng chung tay với hành động thiết thực để bảo vệ môi trường; cùng nhau liên kết để tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững của đất nước. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức, nhận thức bảo vệ môi trường; biến ý thức bảo vệ môi trường thành hành động tự giác và cụ thể.
Cũng tại buổi lễ, ghi nhận sự đóng góp của nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu đã có thành tích trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tặng bằng khen cho 10 tập thể và 9 cá nhân xuất sắc trong giai đoạn 2010-2013.
Đoàn viên thanh niên thu nhặt rác tại khu vực hồ lắng |
Ngay sau buổi lễ phát động, các đồng chí lãnh đạo, đoàn viên thanh niên trong tỉnh đã tham gia thu dọn rác quanh khu vực hồ Xuân Hương, chợ Đà Lạt, ngã 5 Đại học.
Từ những việc làm cụ thể này sẽ thôi thúc mỗi người dân có ý thức góp phần xây dựng cảnh quan thành phố ngày càng sạch đẹp hơn.
Văn Báu
Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam tổ chức trồng cây tại Lâm Đồng
(LĐ online) – Sáng 20/9, tại Đà Lạt, Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam do Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và nhãn hàng nước giải khát Vfresh thuộc công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk phát động đã tổ chức trồng 2.700 cây hoa giấy và và muồng hoa vàng tại Trường Đại học Đà Lạt.
Sự kiện trồng cây lần này tại Trường Đại học Đà Lạt sẽ đặt nền móng đầu tiên cho việc hiện thực hoá dự án công viên hoa giấy đầu tiên tại Trường Đại học Đà Lạt nói riêng và thành phố Đà Lạt nói chung, góp phần gia tăng số lượng cây xanh, tạo không gian xanh xung quanh sân trường, đồng thời việc cán bộ và sinh viên trực tiếp tham gia trồng cây góp phần vào việc giáo dục các em sinh viên ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường học đường xanh hơn, thân thiện hơn.
Chương trình Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam được phát động từ năm 2012, là hoạt động phối hợp giữa Tổng cục Môi trường và nhãn hàng nước giải khát Vfresh thuộc Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk nhằm mục đích trồng thêm nhiều cây xanh cho các thành phố, cải thiện môi trường sống cho người dân Việt Nam. Đến nay, chương trình đã triển khai trồng gần 87 ngàn cây xanh tại những nơi mà cây xanh thật sự cần thiết để bảo vệ môi trường và cư dân quanh đó.
Nguyên Thi – Văn Báu
Xuất phát điểm thấp
Ông Phạm Hồng Ân – Chủ tịch UBND xã Quế Phong cho biết: Trước đây Quế Phong là vùng căn cứ địa cách mạng, chiến tranh qua đi để lại bao mất mát, làng quê bị tàn phá nặng nề, nhà cửa tan hoang, đời sống nhân dân hết sức cơ cực… Bên cạnh đó, Quế Phong là xã miền núi nên có xuất phát điểm khá thấp, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội hết sức khó khăn, giao thông đi lại cách trở, việc quy hoạch để phát triển thương mại dịch vụ và công nghiệp không thể triển khai thực hiện được… “Chính vì vậy mà chúng tôi luôn trăn trở phải làm sao tìm giải pháp và chọn hướng đi cho phù hợp nhất với điều kiện của địa phương để đưa nền kinh tế phát triển đi lên, từng bước xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân”- ông Ân chia sẻ.
Theo ông Ân, khó khăn là vậy, nhưng Quế Phong đã phát huy truyền thống cách mạng của mình và toàn Đảng, toàn dân đoàn kết một lòng tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, quyết tâm ra sức thi đua tăng gia sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng… xây dựng quê hương tươi đẹp và bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi một cách nhanh chóng.
Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Là một xã thuần nông, với gần 90% dân số sống bằng nông nghiệp, trong khi đó vùng đất Quế Phong chủ yếu là đồi, gò… nên việc phát triển cây lúa sẽ không hiệu quả. Để góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo đà cho xây dựng NTM, những năm gần đây Quế Phong rất chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng đồi núi, hoặc những nơi không chủ động được nước sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn, trong đó cây keo, cây sắn… được chọn là cây chủ lực của địa phương. Tuy vậy, một số địa phương có điều kiện vẫn phải dựa vào cây lúa và các loại cây hoa màu khác.
Ông Ân cho biết thêm, thời gian qua kinh tế rừng và kinh tế gia trại, trang trại ở Quế Phong đang phát triển khá tốt, hiện xã có gần 1.200ha rừng, trong đó diện tích đất rừng sản xuất trên 550ha được trồng cây keo, diện tích còn lại là rừng thuộc các dự án khác do người dân nhận quản lý. Quế Phong cũng là nơi phát triển cây sắn khá tốt, với diện tích trên 350ha… Bên cạnh cây keo, cây sắn thì Quế Phong cũng đang triển khai các mô hình kinh tế gia trại để phát triển chăn nuôi gà, lợn… Nhất là xã đang đẩy mạnh phát triển đàn bò, trâu, dê…
Theo đánh giá của ông Ân, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đẩy mạnh phát triển cây, con… trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời thúc đẩy tốt quá trình xây dựng NTM của Quế Phong trong những năm qua và các năm tiếp theo. Theo ông Ân, mặc dù hiện nay Quế Phong không phải là xã điểm về xây dựng NTM, nhưng đến nay địa phương đã đạt được 5/19 tiêu chí (Quy hoạch, Bưu điện, Y tế, Hệ thống chính trị và An ninh chính trị), phấn đấu đến năm 2015 đạt thêm 5 – 6 tiêu chí nữa và đến năm 2020 Quế Phong cơ bản trở thành xã NTM. Tuy nhiên, để hoàn thành theo đúng lộ trình xây dựng NTM mà Quế Phong đặt ra, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự đóng góp của cộng đồng, người dân thì một xã khó khăn như Quế Phong, rất cần sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa về nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời hỗ trợ đào tạo nghề lao động nông thôn…
Ngoài ra, nhiều trường hợp thoát ly từ lâu nên xã không liên lạc được với thân nhân những ngôi mộ đó. Tuy nhiên, để hoàn thành việc quy hoạch nghĩa trang tập trung theo cụm thôn, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân và thực hiện mai táng theo đúng quy định, như nơi chôn cất đảm bảo vệ sinh môi trường, xa khu dân cư, chiều cao ngôi mộ không vượt quá 2m, rộng 2m2…”.
Ngoài việc vận động nhân dân hưởng ứng, xã Quỳnh Minh còn đề cao tinh thần tự giác của mỗi đảng viên. Theo đó, đảng viên thuộc dòng họ, chi họ nào thì có trách nhiệm tuyên truyền, vận động dòng họ đó. Đồng thời, xã cũng tổ chức họp bàn, đưa quy định về nếp sống văn hóa trong ma chay, cưới hỏi vào quy chế xét thi đua khen thưởng với các cơ sở thôn làng…
Nhờ đó mà đến nay, việc xây dựng khu nghĩa trang kiểu mẫu ở Quỳnh Minh đã được đông đảo người dân đồng tình thực hiện. Điển hình như khu nghĩa trang Giáo Thiện, thuộc giáo xứ Bồ Ngọc, được xem là nghĩa trang hiện đại nhất nhì huyện. “Các phần mộ từ lâu đời cho tới những phần mộ mới đều được quy về nghĩa trang Giáo Thiện với cùng kích cỡ, kiểu dáng và màu sắc. Đây là công trình do giáo dân tự nguyện đóng góp kinh phí, chính quyền xã chỉ chỉ đạo xây dựng trong khuôn khổ hành lang pháp lý”- ông Nhịnh cho biết.
Hiện, mỗi nghĩa trang ở Quỳnh Minh đều có quản trang, mỗi thôn đều có ban tổ chức tang lễ, ban đào huyệt. Trước khi chôn cất và xây mồ mả, thân nhân người chết đều phải ký cam kết thực hiện đúng quy chế.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Chương- cán bộ văn hóa xã cho biết: Đến nay, Quỳnh Minh đã hoàn thành xây dựng NTM, trong đó, việc thành công trong tiêu chí số 17 đã được nhiều địa phương trong tỉnh và cấp trên đánh giá tốt, là mô hình hay, mang lại hiệu quả lâu dài.
Vị lãnh tụ gần gũi với nông dân
Thưa ông, Báo điện tử Dân Việt (báo NTNN) vừa khởi đăng loạt bài , trong đó có đề cập tới một phong trào nổi tiếng của ngành nông nghiệp thập niên 60 của thế kỷ trước là “Gió Đại phong”. Khi đó, Bác Hồ đã hết sức ủng hộ, Bác viết bài ca ngợi mô hình rất đẹp này trên Báo Nhân Dân. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của loạt bài này cũng như những phong trào thi đua từng có tác dụng rất tích cực trong quá khứ?
Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, TS Nguyễn Thế Kỷ trả lời PV báo Dân Việt. (ảnh: Xuân Lực)
– Theo tôi, loạt bài của Báo NTNN tôi cho là có ý nghĩa nhiều mặt trong thời điểm Đảng, Nhà nước ta đang giành rất nhiều sự quan tâm cho vấn đề tam nông. Loạt bài viết gợi lại cho bạn đọc suy nghĩ về những phong trào, những việc làm bổ ích, thiết thực của một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc. Loạt bài này sẽ gợi lên rất nhiều suy nghĩ cho những người làm công tác xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của ta hiện nay.
Nói rộng hơn, tư tưởng của Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hết sức rõ ràng, hết sức đúng đắn: Đó là làm sao để người nông dân đã có ruộng cày rồi thì phải sống được và làm giàu trên mảnh ruộng của mình. Không chỉ có phong trào “Gió Đại Phong”, sinh thời, Bác đã cùng với Đảng, Nhà nước ta đề ra, khuyến khích, cổ vũ nhiều phong trào thi đua yêu nước nhằm phát triển nền nông – công nghiệp còn non trẻ của nước nhà như phong trào “Sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba Nhất”…
“Một số nước cũng có những lãnh tụ có hình dáng của nông dân, nguồn gốc từ nông dân, nông thôn nhưng lại không thu phục được đội ngũ trí thức. Trong khi đó, khi Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến, biết bao nhiêu trí thức Việt Nam ở nước ngoài đã từ bỏ cuộc sống đầy đủ, yên ổn, vinh hoa để về cùng Bác đồng cam cộng khổ kháng chiến. Dường như với họ, có một điều gì đó cao hơn lý tưởng, có thể như một đức tin đối với Hồ Chí Minh. Hoặc có thể coi đó là sức thu hút, sự cảm hóa kỳ diệu của Bác”. TS Nguyễn Thế Kỷ – Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư |
Vào thời điểm đó, những phong trào như vậy đã giúp chúng ta gặt hái được nhiều thành tựu vượt bậc trong công cuộc xây dựng miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Trước đó, thời chúng ta mới giành được chính quyền, đất nước đang trong muôn vàn khó khăn, bộn bề, “ngàn cân treo sợi tóc”, Bác cũng đã phát động, lãnh đạo thành công các phong trào thi đua yêu nước như “Diệt giặc đói, giặt dốt”, “Tuần Lễ Vàng”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Áo ấm mùa đông chiến sỹ”…
Trong những phong trào, những việc làm như vậy, Hồ Chí Minh không chỉ đứng ra vận động mà chính Người cũng làm gương một cách nghiêm túc để mọi người làm theo. Nhờ đó, các phong trào lan tỏa, nhân lên tầm vóc trong xã hội.
Một đất nước có thể kêu gọi từ một người nông dân không biết chữ, đói nghèo hăm hở vào cuộc kháng chiến; những nhà tư sản, giới trung lưu dốc hết cả tài sản của mình cho nền độc lập thì đất nước đó có sức mạnh quá lớn lao, không kẻ thù nào có thể khuất phục được.
Vậy ông suy nghĩ gì về những phong trào hiện nay trong phát triển nông thôn, nông nghiệp. Vẫn biết là lịch sử mỗi giai đoạn một khác, nhưng theo ông, làm thế nào để có thêm những “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”…mới ?
-Theo tôi, khi nói tới các phong trào thi đua yêu nước hiện nay, tuy giá trị của nó vẫn còn gần như nguyên vẹn nhưng động lực, niềm tin thì giảm xuống so với thời trước. Sau này, mình có một số phong trào như xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn”, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây con, sản phẩm, hay như chương trình “Xây dựng nông thôn mới”…
Đây là những phong trào tốt, nhưng vẫn cần phải vừa làm vừa điều chỉnh, bổ sung. Như chương trình “Xây dựng nông thôn mới” chẳng hạn, hình như một số tiêu chí không tính tới yếu tố văn hóa làng xã. Không phải chỗ nào cũng đường nhựa, đường bê tông là đẹp, không phải ở đâu cũng nhà mái bằng, cũng nhà “ống”… là “nông thôn mới”. Phải xem nó có phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa của nông thôn Việt Nam, dân tộc Việt Nam hay không.
Còn để phong trào có được sự ảnh hưởng, lan tỏa rộng lớn, rất cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể; rất cần có một người đi đầu, làm gương để mọi người noi theo, như cách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm. Có một người lãnh đạo gần gũi với nhân dân, hiểu dân và sẵn sàng làm gương cho dân noi theo thì chắc chắn phong trào nào phát động cũng sẽ được người dân hưởng ứng nhiệt tình.
Là người bỏ nhiều tâm huyết và công sức nghiên cứu về Hồ Chủ tịch, ông đánh giá thế nào về sự quan tâm của Hồ Chủ tịch đối với vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam?
– Ngay từ khi từ mới bước chân vào con đường cách mạng, ra đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao nông dân với vai trò lực lượng quần chúng quan trọng của cách mạng. Cần nhớ rằng, trong cách mạng Việt Nam, lực lượng quần chúng đại đa số là nông dân. Ngay cả giai cấp công nhân và phần lớn lực lượng trí thức thì đa phần trong số họ đều xuất phát từ giai cấp nông dân.
Chính vì thế, cuộc cách mạng của Việt Nam ngay từ đầu đã xác định là cuộc cách mạng “tư sản dân quyền” và “thổ địa”, giành độc lập dân tộc cũng có nghĩa lấy đất từ tay giai cấp bóc lột chia cho dân cày. Đây chính là mục tiêu, là động lực để tập hợp lực lượng. Trong lịch sử, nông dân Việt Nam cũng có nét chung với nông dân nhiều nước, nhưng có một đặc trưng là bất kỳ người nông dân nào cũng mang trong mình một lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với làng quê, mảnh ruộng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo nguồn gốc nông dân, ở một vùng làng quê thuần Việt, thuần nông. Tư tưởng của Bác, của Đảng ta đề ra từ 1930, vấn đề về nông dân, ruộng đất luôn được xác định rõ ràng và nhất quán. Trong suốt cả sự nghiệp của Bác Hồ, những người đi theo Bác phần lớn cũng là những nông dân hay trí thức có nguồn gốc từ đồng quê, thôn dã mà ra. Khi làm cách mạng, họ giải phóng dân tộc, đồng thời họ giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Về mối quan tâm của Bác với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã có rất, rất nhiều phim, ảnh, bài báo, tư liệu, tác phẩm văn học, nghệ thuật ghi lại tư tưởng, tình cảm, phong cách của Người: Người đến tận từng thửa ruộng gặp nông dân; Người đạp guồng nước hoặc kéo dây gàu múc mước chống hạn; Người nâng niu củ khoai, củ sắn của người dân tặng Người; trong bữa ăn đạm bạc hàng ngày của Người, vẫn không thể thiếu tương, cà, rau, củ.
“Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời/Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường” – thơ Tố Hữu). Phải nói rằng, ít có người lãnh tụ nào lại có hình ảnh giản dị, gần gũi, thân thương, tin cậy với người nông dân, với nhân dân của mình như Hồ Chí Minh.
Không chỉ với tầng lớp trí thức, ngay cả với những tù binh của Pháp, của Mỹ khi bị bắt và được gặp Bác, nhìn cách ứng xử của Bác đều cảm thấy, như nhà báo Xô viết Ôxip Manđenstan đã từng viết rằng: “Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hoá của tương lai” (theo Báo “Ngọn lửa nhỏ” 1923)”.
Hoàn thiện sớm chính sách về đất đai
Vừa qua, báo NTNN cũng như một số báo có nói đến thực trạng tại nhiều địa phương, người nông dân bỏ ruộng vì trồng lúa quanh năm chỉ đủ ăn. Với vai trò là người làm việc ở cơ quan định hướng tuyên truyền của Đảng, theo ông, báo chí cần nhìn nhận và đánh giá vấn đề này như thế nào?
– Đây là một vấn đề lớn. Người nông dân đã hết sức trăn trở trên mảnh ruộng của mình. Còn khi họ bỏ ruộng, đây là vấn đề cần phải suy nghĩ nghiêm túc. Tại sao họ lại trả ruộng? Vì họ làm ra hạt lúa, củ khoai trên mảnh ruộng đó, với các chi phí đầu vào như hiện nay, sau khi khấu hao thì không còn được bao nhiêu do đầu ra quá thấp. Một người nông dân chân chính, có sức vóc, trí tuệ, làm ăn chăm chỉ quanh năm, thậm chí còn thua một anh xe ôm thì rõ ràng không chấp nhận được.
Như vậy vấn đề cần đặt ra là: Chính sách của chúng ta với cây lúa nói riêng, với tam nông nói chung phải đổi mới thế nào để người nông dân bớt khổ? Những cái đó phải được đặt ra sớm và giải quyết rốt ráo. Nhà nước cũng đã đặt ra mục tiêu làm sao để người nông dân phải được hưởng lãi ít nhất là 30%. Kể cả đạt được mức lãi này thì vẫn là thấp.
Do vậy, chúng ta phải tính, trong 3,8 triệu ha đất lúa, cần có sự phân bố, cơ cấu hợp lý, đất nào trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực, đất nào trồng hoa màu, cây công nghiệp, nuôi trồng thuỷu sản cho năng suất, giá trị cao… Ngoài ra, phải đảm bảo yếu tố bền vững bằng việc có quy hoạch vùng rõ ràng, có phân công sản xuất theo lộ trình nhất định, phải tìm đầu ra cho nông nghiệp ở cả trong và ngoài nước…
Thưa ông, nước ta là một nước thuần nông với hơn 70% dân số là nông dân. Nhưng dường như vị thế của người nông dân chưa được nhìn nhận đúng, lĩnh vực tinh thần của nông dân chưa được quan tâm nhiều?
– Năm nay, chúng ta tổng kết 15 năm Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là một nghị quyết về văn hóa rất quan trọng, rất có tầm, có giá trị bền vững lâu dài. Nhìn xa hơn một chút, năm 1943, chúng ta có Đề cương văn hóa VN, trong đó có nêu một tư tưởng chỉ đạo là: Đảm bảo tính dân tộc, khoa học và đại chúng.
Trong văn hóa, đương nhiên là cả chính trị và kinh tế, vai trò của người nông dân và truyền thống văn hóa lúa nước, văn hóa đê điều, văn hóa làng xã… luôn cần được nhấn mạnh, đề cao. 15 năm vừa rồi, chúng ta đã thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, xây dựng, tăng cường thiết chế văn hóa ở nông thôn.
Nhưng bây giờ, nói đến việc xây dựng nông thôn, từ quy mô cấp tỉnh, huyện cho đến xã, thôn, điều cần làm trước tiên luôn là phải làm thật tốt quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội của khu vực đó. Nếu không, nông thôn sẽ phát triển tự phát, thậm chí tùy tiện và sẽ không thể định hình một cách khoa học và tốt đẹp trong tương lai.
Trong quá khứ, khi thực hiện cải cách ruộng đất ở thế kỷ trước, do nóng vội, duy ý chí, cộng với những tác động, thậm chí là sức ép từ bên ngoài, chúng ta đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Theo ông, trong quá trình xây dựng, đổi mới tam nông hiện nay, có những hạn chế hay thiếu sót nào mà chúng ta cần phải điều chỉnh, sửa chữa để bước tiếp?
– Không ai dám khẳng định trong quá trình phát triển sẽ không mắc phải những sai sót, sai lầm. Vấn đề là chúng ta có dám nhìn thẳng vào những sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa hay không mà thôi. Khi Đảng ta có những sai lầm trong cải cách ruộng đất, chính Bác đứng ra nhận lỗi, một số đồng chí có trọng trách trong Đảng cũng phải chuyển công tác.
Còn hiện nay, bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng đã gặp phải những sai sót, yếu kém. Điều mà tôi cũng như nhiều người khác canh cánh, là luật pháp, chính sách về đất đai, trong đó có việc đền bù, thu hồi đất đai của nông dân ở một số nơi khá tùy tiện. Nếu thu hồi đất cho những công trình phục vụ lợi ích xã hội, công cộng chính đáng thì người dân sẵn sàng, nhưng với những công trình phục vụ mục đích thuần túy thị trường thì người dân cần được tham gia công việc này từ đầu đến cuối, kể cả giá cả, tái định cư.
Bác Hồ từng nói “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Người cũng căn dặn “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Muốn vậy, chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân. Tất nhiên, phải xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách phải đúng, phải nghiêm, trong đó, nhân dân là chủ thể.
Bên cạnh đó, tuyệt đối không để các nhóm lợi ích xen vào thao túng chính sách, pháp luật. Hãy nghĩ rằng, đau đáu rằng, ở một nơi nào đó, khi mỗi một khu đô thị mọc lên, nếu đi theo là biết bao giọt nước mắt, mô hôi mặn chát, cay đắng, uất ức của người nông dân đổ ra. Dứt khoát không được như thế. Thậm chí, tuyệt đối không được như thế.
Xin trân trọng cám ơn ông !
Những lô cao su 15 tuổi bị chặt phá để trồng mới |
Năm 1997, Nông trường Lam Sơn (nay là Cty TNHH MTV Lam Sơn, gọi tắt là Cty Lam Sơn) đầu tư trồng hàng trăm ha cao su tại huyện miền núi Ngọc Lặc và Thọ Xuân (Thanh Hóa). Nay cây cao su đã 15 năm tuổi song lượng mủ chỉ lèo tèo thu vài ba cân/ha/ngày khiến nảy sinh mâu thuẫn giữa Cty với hộ dân.
Để giải quyết khó khăn, Cty Lam Sơn tiến hành chặt hết những vườn cao su kém mủ để trồng lại và tiếp tục chờ đợi kết quả trong ít nhất 8 năm nữa. Chẳng hiểu lần chờ đợi này có đem đến phép màu nào không?
CAO SU TỊT MỦ
Những năm 1997 – 2000, hưởng ứng chủ trương của tỉnh Thanh Hóa, Nông trường Lam Sơn kêu gọi công nhân, người dân tại Ngọc Lặc và Thọ Xuân thay thế một phần diện tích hoa màu chuyển sang trồng cao su với niềm hy vọng tạo ra bước đột phá về kinh tế cho khu vực miền tây xứ Thanh. Theo đó, Nông trường cho dân ứng toàn bộ giống, phân bón, tập huấn quy trình kỹ thuật trị giá khoảng 10 triệu đồng/ha không tính lãi, sau đó trừ dần vào mủ khi cao su bắt đầu cho thu hoạch.
Trong thời gian chờ cao su có mủ, hộ nhận khoán được hưởng tiền công chăm sóc và toàn bộ lợi nhuận hoa màu trồng xen kẽ dưới tán cao su đến năm thứ 4. Với cơ chế ưu đãi như vậy, gia đình nào cũng nhiệt tình hưởng ứng. Chỉ trong thời gian ngắn, gần 500 ha cao su đã phủ kín những quả đồi trước kia là vựa mía của Nông trường Lam Sơn. Chính quyền sở tại cũng vui mừng tin tưởng cây cao su chính là lời giải cho bài toán chuyển đổi cơ cấu kinh tế và xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Thời gian đầu, cây cao su phát triển khá tốt khiến bà con nông dân và cả công nhân ai cũng vui mừng khấp khởi. Khoảng năm 2005, khi cao su được tuổi thu hoạch, người người hồi hộp đợi những giọt mủ đầu tiên song đều thất vọng khi cao su cho mủ rất ít. Gia đình nào chăm sóc tốt, chịu khó cạo may ra được 5-6 kg/ha/ngày, còn lại lèo tèo 2-3 kg.
Nghĩ cây cao su còn non ít mủ nên người dân vẫn hy vọng năm sau sản lượng mủ sẽ cao hơn. Nhưng hy vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu, chờ đợi hoài đến nay cao su đã 15 tuổi chúng vẫn chỉ cho mủ như vậy, thậm chí nhiều lô còn không cho mủ nên hầu hết không hộ nào nộp sản đủ mủ cao su cho Cty Lam Sơn, bị Cty phạt như cơm bữa, thậm chí tiền phạt còn nhiều hơn tiền nợ đầu tư ban đầu.
Vì phải đóng rất nhiều khoản chi phí cũng như tiền thuê đất trong khi cao su ngày một ít mủ nên người nhận khoán cao su nợ nần chồng chất. Tính ra một ngày công đi cạo mủ cao su từ 3 giờ sáng, sau khi trừ mọi chi phí phải đóng góp cho phía Cty Lam Sơn người dân chỉ còn lại trong tay 10.000-15.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị Thao, Trưởng thôn 10 (xã Minh Tiến – Ngọc Lặc), một trong những thôn có diện tích cao su lên tới gần 100 ha đắng đót cho biết, dù cây cao su cho mủ được 6-7 năm nay, nhưng hiện 73 hộ dân thôn chị mới có 10% số hộ trả được 50% nợ ban đầu, còn lại hộ nợ ít thì chục triệu, nhiều lên tới vài chục triệu. “Hầu như nhà nào cũng nợ, ngay như nhà tôi nợ Cty Lam Sơn hơn 18 triệu đồng hiện chưa biết trông vào đâu để trả. Cô em gái tôi đi cạo mủ cao su ròng rã đúng một tháng trời sau khi trừ hết các khoản tiền này nọ còn cầm về đúng 500 ngàn mà tủi thân tấm tức khóc mấy ngày trời”. Chị Thao bức xúc nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Cty Lam Sơn thừa nhận, nguyên nhân chính khiến người dân và công nhân nợ tiền Cty không trả được do sản lượng mủ cao su quá thấp. Còn nguyên nhân khiến cao su mủ thấp ông Thành chỉ phỏng đoán do chất lượng giống kém cộng khí hậu, địa hình khắc nghiệt, bên cạnh đó cách chăm sóc, khai thác của người dân lại chưa đúng kỹ thuật.
Ông giám đốc nói do giống, do dân, đâu biết thực tế việc khảo sát trồng cao su tại đâu và đưa giống nào vào trồng (từ năm 1997) đều được phía Nông trường hướng dẫn, cung cấp (!).
PHIÊU LƯU LẦN NỮA
Những ngày gần đây, nếu ai có dịp đi trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Minh Tiến, huyện miền núi Ngọc Lặc dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người dân đang chặt phá tan tành những rừng cao su đáng lẽ đang trong đỉnh điểm thu hoạch. Tiếng cưa máy rèn rẹt, phành phạch, những cây cao su to hơn bắp vế đổ rào rào khiến ai nhìn cũng tiếc ngẩn ngơ.
Ai đâu thể ngờ rằng, hàng trăm ha cao su đầu tư nhiều tỷ đồng trong chớp mắt đã biến thành củi được phía Cty Lam Sơn định giá có vài triệu đồng/ha. Bản thân Cty Lam Sơn hiện cũng chưa biết khi nào có thể thu hồi được tiền vốn đầu tư trồng cao su từ các hộ nhận khoán nên nhân tiện dịp thanh lý rừng cao su tịt mủ để trồng mới và lấy luôn tiền bán cây để trừ bớt nợ, số nợ còn lại Cty khoanh lại không tính lãi để “động viên” người dân yên tâm tham gia trồng cao su lần thứ 2.
Ngồi thẫn thờ bên đồi cao su đã bị đốn sạch, anh Phạm Ngọc Quỳnh, thôn 10, xã Minh Tiến giờ nghĩ lại mới thấy ngày xưa mình ngu muội. Nhà có 2 ha đất đồi dốc toàn đá vậy mà anh cũng đem đi góp trồng cao su, lúc xuống giống thậm chí anh Quỳnh phải dùng xà beng để phá, để đào hố thì thử hỏi cây cao su làm sao có nhiều mủ được. Không chỉ anh Quỳnh mà phần lớn diện tích cao su không mủ đều do trồng ở địa hình đồi quá dốc, chỉ phù hợp trồng rừng.
Được biết, trong năm 2011 Cty Lam Sơn đã trồng mới thay thế được 126 ha cao su, Cty dự kiến từ nay đến năm 2013 sẽ trồng lại 50 ha nữa, số diện tích đang cho khai thác còn lại sẽ thay thế dần theo từng năm, trong thời gian đó cố “cọ quèn” vớt vát được cân mủ nào hay cân đó bởi giờ chặt hết Cty cũng khốn khổ vì không thu hồi được vốn.
Điều ngược lại, người dân lại càng muốn thanh lý rừng cao su càng sớm càng tốt, vì gần 500 ha cao su trồng từ những năm 1997 – 2000 tại Ngọc Lặc, Thọ Xuân không có hiệu quả kinh tế, định mức khoán với Cty Lam Sơn thì không hề thay đổi nhưng mủ cao su thì cứ tịt dần theo thời gian nên càng để lâu các hộ càng nợ Cty nhiều hơn.
Có một điều các hộ nhận khoán cao su hiện nay rất băn khoăn là trong cơ cấu giống của Cty Lam Sơn, ngoài hai giống mới là Ric 211 và DT1 thì vẫn có hai giống cao su cũ đã trồng từ năm 1997 là RRim 600 và RRim 172 nay không ra mủ. Phía Cty Lam Sơn lý giải rằng, chất lượng giống và kỹ thuật ngày trước khác bây giờ rất nhiều và đây cũng là bộ giống do Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam khuyến cáo trồng tại khu vực miền Trung. |
Vậy là sau 15 năm đeo đuổi bất thành, giờ Cty Lam Sơn lại đưa người dân tại miền tây Thanh Hóa tiếp tục một cuộc phiêu lưu lần nữa với cây cao su mà kết quả của nó phải tới 8 năm sau mới có câu trả lời. Chúng tôi được biết, trong quá khứ, Cty Lam Sơn đã không ít lần mất trắng hàng chục ha cao su vì sương muối, nắng nóng và gió bão… Một ha cao su trồng tại đây khoảng 550 cây đến lúc thu hoạch mủ còn lại khoảng 300 cây là nhiều do thiên nhiên tàn phá.
Nhìn thấy khó khăn, khắc nghiệt như vậy và đã có cả bài học thất bại làm kinh nghiệm, lý do gì khiến Cty Lam Sơn vẫn quyết tâm đeo đuổi bằng được cây cao su? Trả lời câu hỏi này, một cán bộ kỹ thuật Cty Lam Sơn cho hay, trồng mía thì không thể có đột phá về kinh tế được, trồng cây cao su nếu thành công người dân sẽ có việc làm quanh năm (thực chất cao su tại Thanh Hóa chỉ khai thác mủ được 6-7 tháng), thời gian khai thác cao su dài và thu nhập trên một ha lớn hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác.
Kịch bản “Gia Cát Dự” là như vậy, nhưng thực tế tại Cty Lam Sơn chứng minh, trong 1.000 ha đất của Cty thì 500 ha mía mỗi năm cho thu hoạch gần 50 tỷ đồng trong khi 500 ha cao su mỗi năm thu hoạch giỏi lắm được vài tỷ đồng, không đủ trả chi phí nhân công, vận chuyển, sơ chế thì nói gì đến chuyện đột phá kinh tế.