Từ chợ thị trấn Ngã Sáu đi về ấp văn hóa Đông Bình, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, chỉ còn cách trở bến đò Đông Sơn qua sông xáng Mái Dầm nữa thôi là có thể sắm xe ô tô chạy bon bon về tới cuối xóm.
Nhiều nhà vườn ở ấp Đông Bình từng ao ước như vậy. Đó là sự thật trong tầm tay khi mai kia có chiếc cầu mới bắc qua sông đi về xứ sở của “vương quốc” cam sành. Về đây đi tới đâu cũng thấy vườn cây xanh rì, trĩu quả. Chỉ trong 10 năm qua, nhà tường mái ngói đỏ au liên tiếp mọc lên nhờ vườn cam cho trái ngọt.
Trồng cam xây nhà mới
Nhà vườn Út Uông (Nguyễn Văn Uông) nhớ lại: Cách đây 15 năm trước, bà con ở ấp còn nghèo, lam lũ lắm. Đường sá lầy lội, gian nan. Nhưng ngày nay trên mảnh đất này đã đổi thay 100%.
Trên con đường láng nhựa phẳng phiu từ bến đò Đông Sơn đến Bưng Cây Sắn dài chừng 7 cây số, hai bên đường toàn là nhà tường mái tôn, mái ngói và chỉ hiếm hoi sót lại vài ba căn nhà lá, vách ván, tinh tươm, sạch sẽ.
Vườn cam của ông Nguyễn Văn Uông, mỗi năm cho thu nhập trên 1,2 tỷ đồng
Ngạc nhiên hơn, có đoạn liền một dãy ba ngôi nhà mới vừa xây xong, tường sơn trắng phau, mái lợp ngói màu đỏ, xanh lấp lóa. Ông Hồ Văn Bi là chủ nhân trẻ của một trong ba căn nhà mới đang cùng mấy người thợ hồ láng mặt sân trước nhà.
Nhà cất xong, ông Bi không giấu nổi niềm vui: “Nhà mới xây tốn gần 1 tỷ đồng là từ mùa cam vừa thu hoạch. Nhà tôi có 21 công vườn (2,1 ha) cam sành. Nhờ tôi biết cách trồng cam cho trái ngon, nghịch vụ bán được giá cao nên chỉ cần 4 công đầu thu hoạch, bán được 800 triệu đồng, xem như gần đủ”.
Thật ra theo ông Bi, mấy năm qua dân nhà vườn trong xóm trồng cam dành dụm tích lũy dư sức lo chuyện chi xài, cho con học hành, mua sắm tiện nghi trong gia đình và có thể tự lực xây nên ngôi nhà hằng mơ ước. Nhà anh Ba, chú Tư Liêm lân cận có lắp máy điều hòa. Cả ba nhà đều xây cổng vào nhà uy nghi, hoành tráng.
Tuy nhiên, ông Bi thừa nhận rằng: “Chỉ từ khi chính quyền xã Đông Phước cho tiến hành xây đê bao ngăn lũ, rồi cán bộ nông nghiệp về làng hướng dẫn kỹ thuật giúp cho cây cam sành “lên ngôi”. Phần lớn bà con trồng cam trong ấp đều đổi đời. Và khi nhà vườn có thu nhập khá, việc đóng góp cho địa phương làm đường làng, cầu cống đi lại làm ăn dễ dàng, an ninh trật tự xóm ấp bình an”.
Thế nhưng nhà vườn trồng cam thắng được là nhờ thị trường tiêu thụ có giá. Nhiều nông dân cho biết, liên tục 3 năm qua, giá cam sành ở mức khá cao. Nhà vườn Đặng Văn Hiệp tính toán: Nếu cam 6.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí vật tư nông nghiệp, nhân công chăm sóc, thu hoạch… chủ vườn hòa vốn. Riêng năm nay vào thời điểm này bán được tới 17.500 đ/kg, mức lãi làm nức lòng các chủ nhà vườn.
Đặc biệt nếu trồng cam cho trái nghịch vụ, có năm giá bán tăng lên 25.000 – 30.000 đ/kg. Nhờ đó nhà vườn phấn khích, mạnh tay đầu tư phân, thuốc BVTV và dốc công sức chăm sóc để tăng thêm thu nhập.
Vườn cam bạc tỷ
Nằm bên dòng sông Hậu được phù sa bồi đắp, huyện Châu Thành là một trong những địa phương được xem có vùng đất trồng cây có múi thích hợp và mang lại hiệu quả cao. Khách phương xa về miền Tây từng nghe danh tiếng bưởi Năm Roi Phú Hữu, cam sành Đông Phước hay gần đây vừa nổi lên chanh không hạt Đông Thạnh…
Đặc biệt ở xã Đông Phước có nhiều nhà vườn nhạy bén chuyển đổi, lựa chọn giống cây trồng tốt hình thành nên những vườn cam chuyên canh. Trong đó riêng ấp Đông Bình có 276 nông hộ nhưng có hơn 90% hộ trồng cam sành có tiền tỷ trong tay.
Nhà vườn Phan Văn Năm, một trong những người tiên phong đưa cây cam sành về trồng ở ấp Đông Bình. Ông Năm miệt mài chăm bón và kết quả không phụ công người. Vườn cam của ông mang lại hiệu quả cao nhất, mỗi năm thu nhập trên 2 tỷ đồng. Nhưng kinh nghiệm cho thấy thu lợi nhuận cao nhất nhờ cam thu mùa nghịch từ tháng 2 đến tháng 6.
Theo đó nhà vườn Út Uông có tiếng SX giỏi, thành công nhờ cải tạo 3 ha vườn tạp chuyển sang chuyên canh cam sành. Vườn cam của ông luân phiên gồm nhiều lứa, từ vườn 2 năm tuổi đến 7 năm tuổi. Mỗi năm Út Uông thu nhập 400 – 500 triệu đ/năm.
Hiện một số nhà vườn tốt bụng, không giấu nghề như ông Phan Văn Năm, Út Uông… ra sức vận động bà con nông dân thành lập Câu lạc bộ làm vườn số 2. Đây là nơi tạo điều kiện cho nhiều nông dân trong xóm ấp có dịp ngồi lại trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lập vườn, SX hiệu quả.
Thương lái thu mua cam sành ở Châu Thành – Hậu Giang
Ông Lê Quang Đỉnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Phước nói: Nhờ tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật do Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành tổ chức nên nhiều nhà vườn mạnh dạn áp dụng TBKT vào SX. Như ông Phan Thanh Sơn chỉ có 3,5 công vườn, nhưng mỗi năm lãi trên 75 triệu đồng.
Hay ông Đặng Văn Hiệp biết xử lý cho cây ra hoa theo ý muốn, trên 1,2 ha vườn cam cho trái quanh năm. Cứ mỗi tháng hái trái một lần, nhất là vào mùa nghịch mỗi đợt thu hoạch từ 3 – 4 tấn, lợi nhuận cao gấp 2, 3 lần mùa thuận. Hiệu quả mỗi năm, sau khi trừ chi phí ông còn lãi gần một tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Trương, Phó phòng NN-PTNN huyện Châu Thành cho biết: Hiện diện tích vườn cam sành chuyên canh toàn huyện là trên 4.000 ha. Trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Đông Phước với hơn 1.000 ha.
Huyện thường xuyên phối hợp với xã mở các lớp tập huấn yểm trợ kỹ thuật; đồng thời tổ chức cho nông dân tham quan các mô hình trồng cam sành hiệu quả ở nhiều nơi nhằm giúp bà con nâng cao hiểu biết về đặc tính của cây trồng. Tuy nhiên để cam sành trở thành cây trồng chủ lực và SX bền vững, các nhà vườn nên chọn cây giống sạch bệnh, trồng và chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, hạch toán kinh tế vườn cho thấy: Trồng cam sành thu nhập cao sau 2 năm cho trái, với giá 15.000 – 17.000 đ/kg, lãi trên 800 triệu đ/ha/năm, thời gian cây cho hiệu quả từ 3 – 5 năm; trồng bưởi Năm Roi giá 20.000 đ/kg, bưởi da xanh 35.000 đ/kg, lãi 500 – 600 triệu đ/ha/năm và thời gian cây trồng cho hiệu quả có thể kéo dài trên 20 – 30 năm. |