HSBC: Các điều kiện hoạt động ngành sản xuất Việt Nam tăng trở lại
SGTT.VN – Hôm qua (1.10), ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 9.2013.
Kết quả khảo sát ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 9 đã thể hiện nhiều tín hiệu tích cực. Yếu tố góp phần làm tăng PMI – chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất – trong tháng 9 là số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm có mức tăng kỷ lục trong lịch sử khảo sát (từ tháng 4.2011). Có những báo cáo cho thấy các điều kiện kinh tế cơ bản đã được cải thiện góp phần thúc đẩy nhu cầu và nâng cao hoạt động thị trường.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 9 đã tăng trở lại trên mức không thay đổi 50 điểm, đạt 51,5 điểm. Chỉ số tháng này đã thể hiện sự cải thiện so với mức 49,4 điểm của tháng 8 và là kết quả tốt nhất kể từ tháng 4.2011 – tháng đầu tiên bắt đầu có dữ liệu khảo sát.
T.T
Bình Dương: Tập huấn ASEAN về thâm canh cây cà phê và cây điều
Cây điều và cây cà phê là các cây công nghiệp chủ lực của sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam nói riêng và ở các nước Asean nói chung. Căn cứ vào chương trình hợp tác trong khuôn khổ ASEAN về đào tạo nông nghiệp và khuyến nông giai đoạn 2012 – 2015, Việt Nam đăng cai và tổ chức khóa tập huấn nhằm nâng cao trình độ thâm canh cây cà phê và cây điều cho các nước trong khu vực.
Khóa tập huấn đã khai mạc sáng ngày 16/9/2013 tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Trung Tâm Khuyến nông Quốc Gia và Trung Tâm Khuyến nông Bình Dương cùng phối hợp tổ chức.
Tham dự khóa học có 24 học viên là cán bộ khuyến nông và chủ trang trại của các nước Thái Lan, In-đô-nê-si-a, Ma-lai-sia, Phi-lip-pin và Việt Nam. Giảng viên là các nhà khoa học đầu ngành về cây cà phê và cây điều của Viện Nghiên cứu KHKT Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu KHKT Nông nghiệp Tây Nguyên.
Các đại biểu và học viên chụp ảnh lưu niệm
Trong 4 ngày học lý thuyết, các học viên sẽ được giới thiệu những kiến thức cơ bản về kỹ thuật chọn tạo giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản, chế biến cà phê và hạt điều. Đồng thời, qua các báo cáo, trao đổi thảo luận, các học viên được cung cấp các thông tin cơ bản về tình hình sản xuất, các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất giống, chế biến và thâm canh cà phê và điều theo hướng hữu cơ cho năng suất và chất lượng cao. Các học viên được thực hành về các phương pháp ghép cải tạo giống, thảo luận nhóm và trao đổi các biện pháp kỹ thuật mới trong nghiên cứu, chọn tạo giống cũng như quản lý bệnh hại, quản lý dinh dưỡng cho cây cà phê và cây điều.
Bên cạnh những kiến thức chuyên sâu về sản xuất thâm canh cây cà phê và cây điều, các học viên cũng cũng trao đổi và hiểu thêm về hệ thống tổ chức, chức năng nhiệm vụ của cán bộ khuyến nông các nước trong khu vực.
Theo chương trình, các học viên có 2 ngày đi tham quan thực tế một số địa điểm sản xuất bền vững, những mô hình thâm canh điều và cà phê đạt năng suất cao và cơ sở chế biến cà phê hạt điều của một số tỉnh Đông Nam Bộ.
Thực hành ghép cải tạo cây điều
VTS – TTKNQG