Các xã điểm đều đã đạt 19 tiêu chí
Theo đánh giá, mặc dù còn nhiều khó khăn, song thực hiện chỉ đạo của BCĐ 02/CTr-TU, các huyện đã tập trung triển khai thực hiện những tiêu chí không cần tiền hoặc cần ít tiền, nên đến nay hầu hết các tiêu chí đạt đã tăng. Trong đó một số huyện làm tốt là Chương Mỹ, Từ Liêm, Đan Phượng, Ứng Hòa, Thạch Thất, Đông Anh…
Còn theo báo cáo của BCĐ 02, đến nay toàn thành phố có 21 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí tăng 2 xã so với quý II; 94 xã đạt và cơ bản đạt 14 – 18 tiêu chí, giảm 1 xã so với quý II; 187 xã đạt và cơ bản đạt 10 – 13 tiêu chí, tăng 29 xã so với quý II; 89 xã đạt và cơ bản đạt 5 – 9 tiêu chí, giảm 26 xã so với quý II; 10 xã đạt và cơ bản đạt dưới 5 tiêu chí, giảm 6 xã so với quý II. Trong số các xã đã đạt đủ các tiêu chí NTM điển hình là các xã: Thụy Hương (mô hình điểm của T.Ư) và 3 mô hình điểm của thành phố là Mai Đình (Sóc Sơn), Song Phượng (Đan Phượng), Đại Áng (Thanh Trì) đều đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM. Đối với 15 mô hình điểm tại các huyện, thị xã đến nay có 7 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí.
Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng NTM của địa phương, ông Đinh Hữu Hạnh- Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết: “Sau khi đánh giá các tiêu chí, chúng tôi đã quyết định tiêu chí cần thiết nhất trong xây dựng NTM là phải làm từ trong nhà ra ngoài ngõ, tiêu chí này không cần nhiều kinh phí”. Theo ông Hạnh, bình thường xây dựng đề án của mỗi xã phải mất ít nhất 500 – 600 tỷ đồng, nhưng huyện không có lực để làm, bình quân mỗi xã 100 – 120 tỷ đồng/năm.
Dồn lực làm dồn điền đổi thửa
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông nghiệp hiện nay đang được TP.Hà Nội hết sức quan tâm, chú trọng đó là công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Theo thống kê, đến nay toàn thành phố đã thực hiện DĐĐT được 41.061/78.130ha diện tích, đạt 52,56%. Trong đó một số huyện thực hiện tốt chương trình này là: Mỹ Đức 6.243ha, đạt 83,09%; Chương Mỹ 7.947ha, đạt 76,1%; Sóc Sơn 8.126ha, đạt 70%…
Tổng kinh phí xây dựng NTM đạt gần 10.000 tỷ đồng |
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều địa phương, kinh phí hỗ trợ cho công tác DĐĐT của thành phố hiện nay vẫn còn thiếu, một số huyện dù đã chi kinh phí, nhưng vẫn không đủ để thực hiện. Do đó, nhiều địa phương đề nghị thành phố quan tâm tới các huyện thu ngân sách thấp, thuần nông để đẩy nhanh công tác DĐĐT.
Chỉ đạo về công tác DĐĐT, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái – Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 thành phố yêu cầu trong 3 tháng cuối năm, các huyện, thị xã tập trung vận động nhân dân tham gia công tác DĐĐT, xây dựng NTM. Trên cơ sở DĐĐT tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả canh tác.
Ông Soái cũng đề nghị Sở TNMT chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã nghiên cứu, tìm giải pháp đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn lực xây dựng NTM. Đồng thời, Sở Tài chính cùng các sở khẩn trương giải quyết nguồn vốn cho công tác DĐĐT. Đặc biệt, trong quý IV, các cấp ủy Đảng, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 từ thành phố đến huyện phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện chương trình.