Đà Nẵng: tiền và nhân lực công nghệ cao
SGTT.VN – Ngày 2.10, sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng đã khai giảng khoá đầu tiên về ngành vi mạch. Đây là “bước khởi đầu quan trọng và là cột mốc đặc biệt trên lộ trình thực hiện khát vọng hình thành ngành công nghiệp thiết kế vi mạch cho thành phố Đà Nẵng”, như đánh giá của giám đốc sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng Phạm Kim Sơn.
Mục tiêu của khoá học là đào tạo những cá nhân nắm toàn bộ quy trình thiết kế vi mạch |
Số lượng học viên của khoá học đầu tiên về ngành vi mạch là 32, trong đó có 25 học viên “chính quy”, bảy học viên “dự thính”. Những học viên chính quy được tuyển từ các khoa điện tử – đại học Viễn thông, khoa học máy tính, cơ điện tử thuộc đại học Bách Khoa (đại học Đà Nẵng) và một số trường học khác trên địa bàn Đà Nẵng. Còn những học viên dự thính, hiện là nhân viên của trung tâm Nghiên cứu và thiết kế vi mạch Đà Nẵng (gọi tắt là Centic) vừa đi vào hoạt động vào giữa tháng 8.2013. Khoá đào tạo có thời gian ba tháng.
Thạc sĩ Ngô Đức Hoàng, giám đốc trung tâm nghiên cứu và thiết kế vi mạch (ICDREC, trực thuộc đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Mục tiêu của khoá học là đào tạo những cá nhân nắm toàn bộ quy trình thiết kế vi mạch, từ phân tích cho đến thiết kế hoàn chỉnh một sản phẩm vi mạch”. Ông Nguyễn Văn Thành, học viên dự thính cho biết trước đây có học về vi mạch, nhưng chưa có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu, qua khoá học này “sẽ được hệ thống kiến thức về vi mạch, nhất là trong khâu thiết kế”.
Để có được kinh phí (khoảng 1,7 tỉ đồng) tổ chức khoá nhân lực đầu tiên cho ngành vi mạch, hơn một năm trước, lãnh đạo sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng đã gõ cửa khắp nơi để xin, nhưng… không có! May mắn, ngân hàng Thế giới (WB) đã chấp nhận tài trợ dự án này. Khi phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị hỏi: “Bao giờ sẽ tổ chức khoá tiếp theo?”, ông Sơn thẳng thắn trả lời: “Khi nào xin được tiền từ ngân sách nhà nước, hoặc có nhà tài trợ, chúng tôi sẽ tổ chức những khoá tiếp theo. Còn ngay bây giờ thì tôi trả lời: Chưa biết đến bao giờ”. Theo ông Sơn, Centic hiện đã đi vào hoạt động, nhưng vẫn chưa có quyết định thành lập chính thức, sống bằng các nguồn tài trợ. Một nguồn tin cho biết, có thể Centic sẽ được hoạt động theo hình thức hợp doanh.
Mười năm trước, khi đặt vấn đề xây dựng trung tâm phần mềm cho Đà Nẵng, theo lời ông Sơn (lúc đó là giám đốc trung tâm này), “người tốt bụng nhất là nghi ngờ, còn ai cũng bĩu môi, thậm chí có người đăng đàn công khai đả kích trung tâm này”. Còn hôm nay, với tư cách giám đốc sở, ông Sơn cho biết doanh thu của trung tâm trong năm 2013 khoảng 2.500 tỉ đồng, chủ yếu là sản phẩm phần mềm, quản trị hệ thống phục vụ thị trường trong nước. “Khi nghe chuyện, tôi phải đi xin tiền để đào tạo nhân lực vi mạch, Centic hoạt động, có nhiều người sốc, nhưng từ câu chuyện cũ, tôi thấy bình thường. Sợ chết ở chiến trường sẽ không biết chiến thắng”, ông Sơn bộc trực.
Gia Vinh